Trạng thái thanh khoản năm 2023 sẽ tương đối dồi dào
Trong báo cáo phân tích phát hành gần đây, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở mức tương đối thắt chặt trong năm 2023 nhưng sẽ thông qua công cụ lãi suất thay vì hạn chế room tín dụng như năm 2022. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ không thắt chặt hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023 và tình trạng "hết room" tín dụng như trong năm 2022 sẽ ít có khả năng xảy ra.
"Nhìn chung, trạng thái thanh khoản năm 2023 sẽ tương đối dồi dào nhưng trên mặt bằng lãi suất ở mức cao", ACBS đánh giá.
Về huy động, ACBS kỳ vọng tăng trưởng huy động năm 2023 sẽ cải thiện hơn so với năm 2022 và tương đương so với tăng trưởng tín dụng nhờ lãi suất huy động vẫn đang ở mức khá hấp dẫn. Ngoài ra, các khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng TMCP quốc doanh tăng lên cũng góp phần hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Định hướng chính sách tài khóa theo hướng mở rộng trong năm 2023 của Chính phủ hứa hẹn cũng sẽ đưa một lượng tiền lớn quay trở lại nền kinh tế và làm tăng vòng quay tiền.
Trên cơ sở đó, ACBS kỳ vọng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ cải thiện trong năm 2023 nhờ dòng vốn quốc tế quay trở lại hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mặc dù lãi suất huy động và lãi suất cho vay đồng VND đã giảm khoảng 0,3-0,5% kể từ đầu năm nhưng vẫn đang ở mức tương đối hấp dẫn so với đồng USD.
Ngoài ra, áp lực tỷ giá cũng giảm bớt khi xu hướng đầu cơ USD không còn lớn và đồng USD được dự báo sẽ không tăng quá mạnh như trong năm 2022. Điều này sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá đối với đồng VND, tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng vẫn cần duy trì ở mức 6-7% để duy trì chênh lệch lãi suất dương so với đồng USD, qua đó bảo vệ giá trị đồng VND và ổn định thanh khoản hệ thống.
Dự báo lợi nhuận ngân hàng tăng 10%
Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), dự báo lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng 10% trong năm 2023 và có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có thanh khoản dồi dào và đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro tín dụng tốt sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
Cụ thể, theo ACBS, chi phí dự phòng dự báo tăng 38% so với năm 2022 do rủi ro nợ xấu phát sinh gia tăng, đặc biệt đến từ các doanh nghiệp bất động sản. Bộ đệm dự phòng mặc dù vẫn còn khá dày nhưng đã mỏng đi sau quý IV/2022 do các ngân hàng sử dụng quỹ dự phòng để xóa sổ nợ xấu.
ACBS dự báo lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng 10% trong năm 2023, thấp hơn mức tăng 34,6% trong năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có thanh khoản dồi dào và đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro tín dụng tốt sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
Về tín dụng, không nằm ngoài dự báo của các ngân hàng thương mại trước đó, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 2.2023 chỉ tăng chưa đầy 0,8%, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tăng chậm hiện nay không phải do ngân hàng khát thanh khoản, khát room tín dụng như cuối năm ngoái. Thanh khoản của hệ thống đang dư thừa hơn 50.000 tỉ đồng so với yêu cầu bắt buộc; room tín dụng cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho các tổ chức tín dụng, còn rất dồi dào.
Tuy nhiên, ACBS dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13-14%, thấp hơn mức tăng 14,2% năm 2022. Nguyên nhân do lãi suất cho vay ở mức cao làm giảm nhu cầu đi vay của các khách hàng. Hiệu quả và tính khả thi của các dự án đầu tư bị giảm xuống trong môi trường lãi suất cao. ACBS dự báo lãi suất cho vay khó hạ thêm do Fed dự kiến phải duy trì lãi suất trên mức 5% trong thời gian dài để kiềm chế lạm phát. Các ngân hàng không hạ chuẩn cho vay trong bối cảnh rủi ro của nền kinh tế gia tăng.