Tư vấn bảo hiểm sai quy định
Thời gian qua, nhiều “lùm xùm” liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giữa khách hàng với công ty bảo hiểm và ngân hàng đã làm suy giảm đáng kể niềm tin của khách hàng với ngành bảo hiểm. Phần lớn xoay quanh việc khách hàng bị tư vấn sai lệch, gây hiểu nhầm sản phẩm bảo hiểm là tiết kiệm.
Trên thực tế, nhiều trường hợp khách hàng có bằng chứng chứng minh bị tư vấn sai, doanh nghiệp bảo hiểm đã hủy hợp đồng bảo hiểm và hoàn lại phí cho khách hàng, tuy nhiên với những khách hàng không có bằng chứng chứng minh, nên không nhận được giải quyết thoả đáng từ doanh nghiệp bảo hiểm, gây ra vướng mắc kéo dài.
Đáng chú ý, cuối tháng 6/2023, Bộ Tài chính có kết luận thanh tra chuyên đề tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm là: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Kết quả công tác thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên...
Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Còn tại Sun Life, qua thanh tra chọn mẫu, cơ quan chức năng cũng phát hiện 44 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.
Theo TS. Luật sư Ngô Ngọc Diễm – Công ty Luật Thinksmart, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tư vấn bảo hiểm sai quy định: “Trường hợp đại lý bảo hiểm không thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm, tư vấn “mập mờ” gây hiểu nhầm cho khách hàng nguyên nhân có thể do sự thiếu chuyên môn bởi khâu tuyển dụng ồ ạt, thiếu trung thực, thiếu minh bạch hoặc có dấu hiệu lừa đảo của đại lý bảo hiểm...”
Cần xử lý nghiêm
Cũng theo TS. Luật sư Ngô Ngọc Diễm, tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của vi phạm. Các biện pháp xử lý vi phạm có thể bao gồm như: khiển trách, phạt tiền, tước giấy phép kinh doanh bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận hoạt động đại lý bảo hiểm, buộc ngừng hoạt động kinh doanh bảo hiểm hoặc hoạt động đại lý bảo hiểm.
Ông Trần Vũ Nhiếp Đam – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn luật VICIN cho biết, theo Điểm g khoản 2 Điều 128 Luật KDBH 2022, trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý ký kết.
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu đại lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và hợp đồng đại lý bảo hiểm. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, ông Đam nói thêm.
Mới đây, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98, Nghị định số 48, Nghị định số 80, Nghị định số 102 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số vẫn đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe lên gấp đôi. Cụ thể, về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, dự thảo nêu rõ việc phạt tiền từ 90-100 triệu đồng, thay cho mức từ 40-50 triệu đồng hiện nay.
Khôi phục niềm tin
Theo ý kiến của TS. Luật sư Ngô Ngọc Diễm, để thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung có thể phát triển bền vững và hiệu quả, đòi hỏi Cơ quan quản lý Nhà nước phải có những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh, tạo niềm tin cho khách hàng:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác giám sát và kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đảm bảo hoạt động kinh doanh của họ tuân thủ pháp luật, minh bạch và trung thực, từ khâu tư vấn khách hàng. Xử lý nghiêm các vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và duy trì uy tín của ngành bảo hiểm.
Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm nhân thọ, đáp ứng yêu cầu của thị trường và sự đổi mới công nghệ. Luật mới sửa đổi đã có sự cải tiến trong việc phát triển sản phẩm bảo hiểm, thông qua việc thực hiện đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm. Luật cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề chưa được giải quyết như: việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; việc điều chỉnh mức thuế đối với hoạt động bảo hiểm nhân thọ; việc xây dựng hệ thống thông tin liên kết giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan liên quan.
Thứ ba, cần tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục về bảo hiểm nhân thọ cho người dân, nâng cao nhận thức và ý thức của họ về tầm quan trọng và lợi ích của việc tham gia bảo hiểm nhân thọ. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể hợp tác với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ sở giáo dục để tổ chức các chương trình tuyên truyền, huấn luyện và tư vấn cho người dân.
Thứ tư, cần khuyến khích sự đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, phù hợp với nhu cầu và khả năng của người dân. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới và cải thiện chất lượng dịch vụ. Đồng thời, có thể tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác để mở rộng kênh phân phối và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân.