Vai trò của nghệ nhân trong thời kỳ vươn mình của dân tộc

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các Nghệ nhân Việt Nam - từ lĩnh vực văn hóa phi vật thể đến thủ công truyền thống luôn giữ vai trò đặc biệt trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, vai trò của đội ngũ nghệ nhân càng được khẳng định và lan tỏa mạnh mẽ.

TS. Lê Ngọc Dũng nói về vai trò của nghệ nhân trong thời kỳ vươn mình của dân tộc.
TS. Lê Ngọc Dũng nói về vai trò của nghệ nhân trong thời kỳ vươn mình của dân tộc.

Nghệ nhân - những “bảo tàng sống” lưu giữ hồn dân tộc

Nghệ nhân là những người mang trong mình tri thức dân gian, kỹ năng nghề nghiệp tinh xảo được truyền qua nhiều thế hệ. Trong lĩnh vực văn hoá phi vật thể, họ là người gìn giữ và truyền dạy những giá trị đặc sắc như hát Xoan, ca trù, chèo, tuồng, quan họ, hát văn - vốn là kết tinh của tâm hồn, phong tục và tín ngưỡng Việt.

Trong lĩnh vực văn hoá vật thể, họ là các bậc thầy nghề trong các ngành nghề truyền thống như sơn mài, gốm, chạm khắc, đúc đồng, dệt thổ cẩm, làm giấy dó, nghề vàng bạc, mây tre đan…

Từ những làng nghề cổ truyền như Bát Tràng, Vạn Phúc, Đồng Kỵ, Phú Lễ… đến những nghệ nhân miệt mài phục dựng nghi lễ Đạo Mẫu hay biểu diễn hát then, hát bội…, mỗi nghệ nhân chính là một “bảo tàng sống” lưu giữ ký ức văn hóa của dân tộc.

Theo thống kê đến năm 2024, cả nước có khoảng 4.500 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, trong đó phần lớn hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa phi vật thể và nghề truyền thống. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn nghệ nhân đang hoạt động tại hơn 5.400 làng nghề trên khắp cả nước.

Bên cạnh đó, khoảng 1 triệu lao động đang tham gia trong các làng nghề truyền thống - nhiều người trong số đó là nghệ nhân chưa được công nhận chính thức nhưng vẫn đóng vai trò "giữ lửa" nghề.

TS. Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam.
TS. Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam.

Lực lượng Nghệ nhân không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn truyền thống, mà còn góp phần tạo ra giá trị kinh tế lớn. Các sản phẩm do nghệ nhân sáng tạo ra không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn vươn ra thị trường quốc tế, đóng góp tích cực vào xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.

Hiện nay, giá trị sản xuất từ các làng nghề và nghệ nhân truyền thống ước đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm cho thị trường nội địa. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (gồm các mặt hàng gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre, sơn mài, dệt thổ cẩm…) đạt khoảng 2,2 - 2,5 tỷ USD/năm, với nhiều sản phẩm được thực hiện bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân.

Ước tính, tỷ trọng giá trị do nghệ nhân và ngành nghề truyền thống tạo ra chiếm khoảng 1,5 - 2% GDP, tuy chưa lớn nhưng có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nếu được định hướng phát triển gắn với du lịch văn hóa, kinh tế sáng tạo và thương hiệu quốc gia.

Thời cơ mới từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các nghệ nhân Việt Nam không chỉ giữ vai trò “bảo tồn” mà còn tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã mở ra cơ hội lớn cho nghệ nhân, làng nghề và các tổ chức văn hóa truyền thống.

Nhiều nghệ nhân đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, sử dụng công cụ số hóa để bảo tồn và truyền dạy di sản (như số hóa hát Then, trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống). Các làng nghề đã từng bước ứng dụng kỹ thuật cải tiến, kết hợp thiết kế hiện đại với kỹ năng thủ công để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm.

TS. Lê Ngọc Dũng tại Đại hội III (nhiệm kỳ 2025 - 2030) của Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam.
TS. Lê Ngọc Dũng tại Đại hội III (nhiệm kỳ 2025 - 2030) của Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam.

Ngoài ra, sự kết nối giữa nghệ nhân với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp sáng tạo… đã tạo thành hệ sinh thái đổi mới, giúp nâng cao năng suất, đa dạng hóa thị trường và đưa sản phẩm thủ công Việt Nam vươn tầm thế giới.

Trong thời kỳ phát triển mới, khi Việt Nam khẳng định bản sắc trong quá trình hội nhập, nghệ nhân chính là biểu tượng cho bản lĩnh văn hóa và sức sống dân tộc. Đầu tư cho nghệ nhân không chỉ là hành động mang tính bảo tồn, mà còn là chiến lược phát triển văn hóa - kinh tế - con người một cách bền vững.

Để phát huy hơn nữa vai trò của nghệ nhân, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đãi ngộ, tôn vinh kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền nghề, đào tạo thế hệ kế thừa. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu số về nghệ nhân và di sản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế cho sản phẩm truyền thống, và định vị thương hiệu Việt qua những giá trị văn hóa lâu bền.

Nghệ nhân - những người “giữ hồn” dân tộc - chính là lực lượng góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc trên hành trình phát triển và hội nhập quốc tế.

TS. Lê Ngọc Dũng

Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam

Tin Cùng Chuyên Mục