Ngày pháp luật

TS. Cấn Văn Lực: Lạm phát tăng trong tầm kiểm soát, các động lực tăng trưởng đang phục hồi

An An

Vị chuyên gia này cũng cho biết, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; cùng với đó thị trường chứng khoán tăng khá và thị trường bất động sản đang từng bước dần phục hồi.

Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” diễn ra chiều ngày 6/6, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đã cung cấp một số thông tin về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, từ đó nhận định rõ đâu là các cơ hội, thách thức cho giới đầu tư.

Theo TS. Cấn Văn Lực, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục giảm đà tăng trưởng (tăng 2,7% từ mức 3% năm 2022) và dự báo có thể tăng khoảng 2,7% năm 2024 và 2,8% năm 2025 (theo UN).

Về lạm phát, số liệu thống kê và dự báo của WB cho thấy, lạm phát đã giảm từ mức 8,6% năm 2022 xuống còn 5% năm 2023; dự kiến 3,5 - 4% năm 2024 và 3% năm 2025.

Thương mại toàn cầu tăng 0,6% năm 2023 và IMF dự báo sẽ tăng 2,5 - 3% năm 2024 và 3,3% năm 2025.

Ở trong nước, GDP quý I/2024 tăng 5,66%, đây là mức cao so với cùng kỳ những năm trước (một phần được so sánh với mức nền thấp cùng kỳ năm 2023). Mức tăng khá đồng đều ở cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, dù vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước dịch 2011-2019.

TS. Cấn Văn Lực: Lạm phát tăng trong tầm kiểm soát, các động lực tăng trưởng đang phục hồi - Ảnh 1

Tính đến cuối tháng 5/2024, tăng trưởng CPI bình quân ghi nhận tại 4,03%, tăng nhẹ so với con số 3,55% ở cùng kỳ năm ngoái. Một số liệu tích cực nữa đó là số liệu về vốn FDI - trong đó vốn đăng ký mới đạt 11,1 tỷ USD (tăng 2%).

TS. Cấn Văn Lực: Lạm phát tăng trong tầm kiểm soát, các động lực tăng trưởng đang phục hồi - Ảnh 2

Ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm ghi nhận 2,41%. Định hướng tín dụng cả năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 13 - 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tuy nhiên, với mức đạt được trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng còn xa mục tiêu cả năm.

Về chính sách tài khóa, dự báo lạm phát của Việt Nam 2024 khoảng 3,4 - 3,8%, dù cao hơn mức 3,25% của năm 2023 nhưng vẫn dưới mục tiêu (4 - 4,5%). Do đó, chuyên gia từ BIDV nhận định rủi ro tài khóa chỉ ở mức trung bình và Việt Nam còn dư địa chính sách tài khóa cho những gói hỗ trợ mới.

Về chính sách tiền tệ, vị chuyên gia này cho rằng, thị trường có thể tạm yên tâm khi lãi suất dự báo duy trì ở mức thấp trong cả năm.

Cũng tại Diễn đàn, chuyên gia từ BIDV đưa ra một vài cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam.

Theo ông, vẫn tồn tại các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều như nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa (nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của chính phủ…) ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn do vậy phần nào bớt tạo áp lực lên chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng, lạm phát tăng nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát; lãi suất giảm, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; cùng với đó thị trường chứng khoán tăng khá và thị trường bất động sản đang từng bước dần phục hồi.

Hội nhập quốc tế được Chính phủ quan tâm, đẩy mạnh cùng việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Úc… phần nào giúp thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch…

Một số trợ lực khác cũng được TS Lực nhắc đến như việc hoàn thiện thể chế được thúc đẩy (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi…). Dự kiến khi các luật, chính sách bắt đầu có hiệu lực, sẽ giúp thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt đồng tài chính ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn. 

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng nhắc đến một số rủi ro như thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản cần thời gian để lành mạnh hóa; tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng còn nhiều thách thức; thể chế cho các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số còn đang chậm nhịp…

Về phía doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực kỳ vọng bên cạnh các hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp phải đưa ra được những kiến nghị trúng, đúng, kiên trì và đặc biệt là cần đề xuất giải pháp cụ thể.

Để đương đầu với những thách thức, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động quyết liệt tái cơ cấu, quan tâm đến vấn đề quản trị rủi ro (rủi ro an toàn thông tin, dữ liệu, an ninh mạng; rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn...); chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí...

Cùng đó, tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; quan tâm hơn đến năng lực thích ứng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...

Tin Cùng Chuyên Mục