Diễn biến này cũng khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có tháng giảm điểm đầu tiên kể từ tháng 7/2020. Tính chung trong tháng 1/2021, chỉ số VN-Index giảm 5,13%. Mặc dù giảm điểm nhưng thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đã đạt 17.032 tỷ đồng/phiên, mức cao nhất trong lịch sử.
Về cơ cấu giao dịch của các nhà đầu tư, tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân và khối tự doanh của các công ty chứng khoán là bên mua ròng, trong khi nhà đầu tư tổ chức trong nước và khối ngoại bán ròng trong tháng.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân vẫn đang là lực mua vào chính trên thị trường với tổng giá trị mua ròng đạt 2.740 tỷ đồng khớp lệnh trong tháng 1, tập trung vào nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính, ngân hàng, điện, nước, xăng dầu, khí đốt và hóa chất.
Ở chiều ngược lại, họ bán cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, bán lẻ, công nghệ thông tin và du lịch - giải trí. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng 3.381 tỷ đồng trong tháng vừa qua.
Triển vọng trung hạn là rất sáng nhưng trong ngắn hạn, VN-Index phải có mức chiết khấu đủ hấp dẫn mới có thể lôi kéo được dòng tiền vào bắt đáy mạnh mẽ.
Nhìn lại có thể thấy một vài nguyên nhân đã khiến chỉ số VN-Index lao dốc mạnh như những phiên vừa qua. Nếu như tuần trước đó, thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ việc đáo hạn các hợp đồng phái sinh thì trong tuần trước, tin tức dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương, điển hình như Hải Dương, đã khiến sự hồi phục mong manh của VN-Index bị chặn đứng. Có thể nói, dịch Covid-19 bùng phát vào thời điểm này là hết sức “nhạy cảm” đối với thị trường tài chính.
Nó nhạy cảm ở chỗ các hoạt động kinh tế thường hoạt động sôi động nhất vào thời điểm sát Tết Nguyên đán. Nay chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết thì dịch quay trở lại, rất nhiều hoạt động đã phải hoãn, hủy, kéo theo nhiều hệ lụy về mặt kinh tế, đặc biệt là ở các lĩnh vực bán lẻ, du lịch, văn hóa - giải trí...
Mùa làm ăn của nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều từ việc dịch bùng phát trở lại. Diễn biến này kết hợp với việc dòng tiền có xu hướng nghỉ ngơi, rút ra khỏi thị trường trước khi nghỉ Tết càng tạo áp lực lên VN-Index.
Tóm lại là nhiều yếu tố cùng cộng hưởng tại một thời điểm đặc biệt nhạy cảm khiến lực bán gia tăng trong khi dòng tiền bắt đáy khá dè dặt. Hệ quả là một cây nến đỏ đặc dài trên đồ thị tuần của VN-Index.
Một điểm đáng chú ý khác cũng không thể không nhắc tới là áp lực “call margin” đã khiến không ít nhà đầu tư F0 lần đầu được trải nghiệm cảm giác tài khoản bị các công ty chứng khoán xử lý khi các mã cổ phiếu trong tài khoản giảm sâu. Trong quá khứ, đã không ít lần thị trường biến động mạnh bởi áp lực cắt margin của các công ty chứng khoán.
Và ngay sau khi lực cầu hấp thụ hết lượng bán này, thị trường lập tức bật tăng mạnh trở lại, giống hệt những gì xảy ra trong phiên cuối tuần trước. Margin vẫn luôn là câu chuyện mang tính vi mô nhưng đặc biệt quan trọng đối với xu hướng ngắn hạn của thị trường. Đây là con dao hai lưỡi rất lợi hại, có thể khiến biến động của thị trường trở nên rất khó lường trong một số phiên nhất định.
Câu hỏi là liệu thị trường đã rũ bỏ hết lượng cung “lỏng tay” để bắt đầu một chu kỳ hồi phục bền vững mới hay chưa? Câu trả lời sẽ phụ thuộc rất lớn vào những biến số ngắn hạn nhưng hàm chứa nhiều bất định, điển hình như tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước của chính phủ cũng như diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu. Trong khi đó, yếu tố tích cực từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 4 dường như lại chưa đủ mạnh để hỗ trợ nhiều cho thị trường trong thời điểm hiện tại.
Nhìn về trung hạn, dòng tiền bắt đáy có thể sẽ không dễ dàng bỏ qua những phiên VN-Index lao dốc để bắt đầu mua vào. Động lực trong 3-4 năm tới của thị trường là câu chuyện nâng hạng, sự hình thành thêm nhiều quỹ mở, quỹ hưu trí và đặc biệt là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm đầu tư tài chính.
Bên cạnh đó, giao dịch T0 được áp dụng khi hệ thống giao dịch mới vận hành cũng sẽ giúp thanh khoản tăng lên, thu hút thêm dòng tiền vào thị trường vốn. Triển vọng trung hạn là rất sáng nhưng trong ngắn hạn, VN-Index phải có mức chiết khấu đủ hấp dẫn mới có thể lôi kéo được dòng tiền vào bắt đáy mạnh mẽ. Do vậy, khả năng VN-Index hồi phục mạnh trong tuần giao dịch trước khi nghỉ Tết (nếu có) chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thách thức.
Link bài gốc