Cá biệt có ngày khối lượng khớp lệnh lên tới 300.000 hợp đồng, giá trị giao dịch vượt 30.000 tỷ đồng. Nếu tính theo mức ký quỹ bắt buộc 8% mà luật quy định, số tiền thật được nhà đầu tư bỏ vào thị trường phái sinh không dưới 2.000 tỷ đồng/phiên.
Cùng với sự gia tăng của số lượng và giá trị khớp lệnh, giá hợp đồng tương lai cũng dao động dữ dội. Chẳng hạn thứ Năm tuần trước giá rớt kịch sàn, chất đống lệnh bán nhưng sang ngày hôm sau, thứ Sáu, giá lại lên kịch trần, chất đống lệnh mua. 70 điểm, thậm chí có lúc lên 100 điểm là khoảng cách dao động của giá hợp đồng phái sinh, tương đương với mức lời/lỗ 7-10 triệu đồng/hợp đồng/ngày.
Số tiền tối thiểu mà nhà đầu tư cần có trong tài khoản để mua hay bán một hợp đồng phái sinh tầm trên 20 triệu đồng. Như vậy nhà đầu tư hai ngày cuối tuần trước có thể “gặt hái” mức lời gần 100% và ngược lại, “cháy” tài khoản hoàn toàn.
Trong năm 2020, tháng 3 và tháng 7 cũng chứng kiến sự giao dịch đột biến của thị trường phái sinh. Nhưng những con sóng phái sinh trước chưa thể so sánh với con sóng phái sinh lần này.
Cần có một sự kiểm tra, giám sát mạnh mẽ hơn hoạt động của công ty chứng khoán bởi nếu không phái sinh có thể trở thành con dao hai lưỡi, làm méo mó thị trường cơ sở, đặc biệt là VN30.
Về lý thuyết giao dịch phái sinh dựa trên biến động của thị trường cơ sở nhưng thực tế gần đây phái sinh đang tác động ngược lại cơ sở thông qua giao dịch arbitrage (giao dịch bắc cầu).
Giá hợp đồng phái sinh về cơ bản xuất phát từ giá trị chỉ số VN30. Ví dụ chỉ số VN30 là 1.120 điểm, giá của phái sinh đáng lẽ phải tương đương, nhưng nó có thể cao hơn hoặc thấp hơn vì thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư thị trường lên hoặc xuống.
Trong khi đó diễn biến của giá cổ phiếu thành phần trong rổ VN30 trên thị trường cơ sở có thể lại không theo xu thế kỳ vọng của nhà đầu tư phái sinh. Đây chính là cơ hội cho giao dịch bắc cầu.
Giả sử thị trường đang tăng, giá của hợp đồng tương lai đang cao hơn chỉ số VN30, chẳng hạn 20 điểm, nhưng một số cổ phiếu trong rổ VN30 không diễn biến theo kỳ vọng của nhà đầu tư phái sinh, họ sẽ bán phái sinh và mua những cổ phiếu đang diễn biến không theo xu thế với kỳ vọng những cổ phiếu này cũng phải tăng và ngược lại.
Đấy là giao dịch bắc cầu đơn giản, nhưng giao dịch phái sinh hiện nay đã ứng dụng các thuật toán (algorithm). Các nhà đầu tư lập trình theo hướng: lấy các tham chiếu cấu thành của VN30, tỷ trọng của từng cổ phiếu trong VN30, sự thay đổi theo từng bước giá của mỗi và tất cả 30 cổ phiếu, sau đó tham chiếu giá của hợp đồng tương lai, mức chênh lệch...
Từ đây máy sẽ tính một lệnh mua/bán phái sinh tương đương bao nhiêu lệnh giao dịch cơ sở, và máy sẽ đưa ra một chùm lệnh (basket orders) mua/bán. Lệnh của nhà đầu tư (qua máy) chuyển vào công ty chứng khoán chỉ là một lệnh, nhưng đến sàn nó sẽ bung ra thành nhiều lệnh nhỏ chi tiết.
Bây giờ giao dịch lập trình (programmed trading) hoàn toàn có thể lượng hóa sự “nhúc nhích” của giá cổ phiếu cơ sở trong VN30 và giá của hợp đồng phái sinh. Lập trình sẵn, chạm đến mức giá lập trình thì máy được kích hoạt và tự động giao dịch.
Ai có thể tham gia giao dịch lập trình? Thường là bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán hoặc những nhóm nhà đầu tư có nghề. Thanh khoản thị trường càng lớn thì lời/lỗ cũng càng lớn, chỉ cần dao động rất nhỏ là có lời hoặc lỗ.
Ở đây có thể hình dung giao dịch phái sinh như vòng xoáy, nếu thị trường cơ sở tăng trưởng tốt hơn, giao dịch phái sinh sẽ nhiều hơn, phái sinh tốt hơn thì sẽ quay lại cơ sở giao dịch thêm vòng nữa. Thị trường phái sinh và thị trường cơ sở là hai bình thông nhau, bên này tăng bên kia sẽ tăng và ngược lại.
Cùng với tính đầu cơ cao, thị trường phái sinh còn đang chứa đựng trong nó sự cạnh tranh mang tính sống còn giữa các công ty chứng khoán mà nếu không được điều tiết bằng các quy định pháp lý, có thể dẫn đến những hậu quả đáng ngại. Ngoài áp dụng các thuật toán, một số công ty chứng khoán đang áp dụng phí môi giới gần như bằng không để thu hút nhà đầu tư.
Kể từ khi bỏ giá sàn phí môi giới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa tổng kết, đánh giá tác động của việc xóa giá sàn này. Hiện tại công ty chứng khoán áp dụng giá nào là tùy họ. Thông thường các công ty thu phí 0,15% giá trị giao dịch, cả hai chiều mua/bán là 0,3% đối với cổ phiếu trên thị trường cơ sở.
Song một số công ty chỉ thu phí 0,03% trên tổng giá trị giao dịch, tương đương mức phí mà các công ty chứng khoán phải nộp cho các sở, còn lại bản thân công ty chứng khoán không thu đồng nào. Điều này khuyến khích nhà đầu tư giao dịch, tạo điều kiện cho giao dịch bắc cầu, cho rải lệnh vì không phải trả phí môi giới.
Người viết bài này đã có các cuộc trao đổi chi tiết với đại diện một số công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, nhà đầu tư phái sinh và cả bộ phận giám sát giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Không ít ý kiến trái chiều đã được nêu ra, dẫu thế hầu hết đều thừa nhận cần có một sự kiểm tra, giám sát mạnh mẽ hơn hoạt động của công ty chứng khoán bởi nếu không phái sinh có thể trở thành con dao hai lưỡi, làm méo mó thị trường cơ sở, đặc biệt là VN30.
Link bài gốc