Nhờ số liệu kinh tế Mỹ gây thất vọng, vàng tiếp tục có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp, lên mức cao nhất trong một tuần qua. Hiện mỗi ounce vàng thế giới giao dịch trên sàn Hong Kong niêm yết tại 1.786 USD, tăng khoảng 8 USD so với cuối giờ chiều 16/8.
Giới phân tích nhận định, cú giảm đột ngột của vàng trong tuần trước chỉ là một đợt điều chỉnh trong xu hướng tăng giá của vàng.
Vàng đi lên sau thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hướng đến kế hoạch cụ thể với một số khía cạnh trong chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ. Cùng với đó, tình hình tại Afghanistan đang kéo cổ phiếu giảm điểm, qua đó giới đầu tư đã chuyển một phần thanh khoản sang vàng. Điều này giúp vàng trở nên "có giá" hơn.
Theo ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Oanda, dữ liệu về niềm tin người tiêu dùng Mỹ đặc biệt hỗ trợ cho giá vàng khi đã đẩy lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và đồng USD giảm giá.
Vàng đang trong đà đi lên và dần hướng đến mốc1.800 USD/ounce. Nếu vượt qua ngưỡng cản 1.800 USD/ounce này, giá kim loại quý được dự đoán còn tăng trong dài hạn.
Ở thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng với mức tăng không quá 100.000 đồng/lượng.
Giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện giao dịch tại 56,65 - 57,35 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều so với giá chốt phiên chiều qua. Cùng lúc đó, vàng Doji lại giữ nguyên giá niêm yết, hiện giao dịch tại 56,15 - 57,7 triệu đồng/lượng.
Quy đổi giá vàng thế giới đứng ở 1.787 USD/ounce theo tỷ giá USD, kim loại quý tương đương 49,39 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 8 triệu đồng.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay vẫn giữ nguyên ở mức 23.145 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.750 - 23.789 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận mốc 22.910 - 23.040 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.945 - 23.135 đồng/USD.