Chốt phiên cuối tuần, mỗi ounce vàng quốc tế tăng gần 26 USD, vọt lên ngưỡng kháng cự quan trọng 1.780 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng vọt sau khi kết quả một cuộc khảo sát cho thấy niềm tin tiêu dùng giảm vào đầu tháng 8, phần nào xoa dịu lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm giảm siết chặt gói kích thích kinh tế.
Cụ thể, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 8 giảm xuống mức 70,2 điểm - mức thấp nhất tính từ thời kỳ đỉnh dịch vào tháng 4/2020. Trong khi con số này vào tháng 7 giữ ở mức 81,2 điểm.
Sau khi thông tin được đưa ra, chỉ số đồng USD giảm 0,6%, cùng với đó, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ giảm xuống 1,314%, tạo đà giúp vàng đi lên, chinh phục được ngưỡng kháng cự quan trọng.
Nhiều chuyên gia nhận định, sự gián đoạn của nền kinh tế do ảnh hưởng của biến chủng Delta có thể khiến các ngân hàng trung ương toàn cầu buộc phải tiếp tục cung cấp biện pháp kích thích - yếu tố thúc đẩy lạm phát và vàng tăng trong dài hạn. Trong khi đó, đồng USD giảm trở lại đã hỗ trợ thêm cho kim loại quý, giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác, theo đó làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Theo đà thế giới, vàng SJC trong nước cũng tăng bứt phá. Giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, giao dịch tại 56,55 - 57,25 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng Doji giữ nguyên giá so với giá chốt phiên chiều qua, hiện niêm yết tại 56,15 - 57,7 triệu đồng/lượng.
Với mức giá này, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 8,1 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay vẫn giữ nguyên ở mức 23.145 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.750 - 23.789 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận mốc 22.910 - 23.040 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.945 - 23.135 đồng/USD.