Tình trạng ảm đạm của thị trường vàng thế giới tạm khép lại khi áp lực lạm phát tháng 7 của Mỹ đạt đỉnh, đáp ứng kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Cụ thể, theo số liệu công bố mới nhất về giá cả tiêu dùng từ Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tháng 7 tại nước này tăng 5,4% so với cùng kỳ và hiện ở mức cao nhất trong 20 năm. Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng lõi đã tăng 4,3% so với cùng kỳ, thấp hơn một chút so với mức 4,5% - cao nhất trong 29 năm của tháng trước đó.
Những chỉ số về lạm phát trên mở đường cho sự phục hồi của giá vàng. Hiện mỗi ounce vàng thế giới giao dịch trên sàn Hong Kong niêm yết tại 1.751 USD, tăng gần 20 USD so với giá cùng thời điểm sáng qua.
Theo nhiều chuyên gia, dù đi lên nhưng thị trường vàng vẫn có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi đồng USD vẫn neo ở mức cao.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA nhận định, các chỉ số kỹ thuật đối với vàng chưa thực sự tốt, nếu kim loại quý có thể ổn định trong khoảng 1.700 - 1.750 USD/ounce, điều này có thể cho phép một số nhà đầu tư dài hạn tham gia vào thị trường.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có rất nhiều trở ngại mà vàng cần phải vượt qua. Một trong số đó là việc Fed sẽ chú ý đến việc giảm quy mô gói kích thích tiền tệ.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC biến động nhẹ, khi một số cửa hàng, hệ thống kinh doanh điều chỉnh tăng 100.000 - 200.000 đồng/lượng.
Cụ thể, vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, hiện giao dịch 56,4 - 57,1 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay vẫn giữ nguyên ở mức 23.176 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.975 - 23.821 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận mốc 22.830 - 23.040 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.945 - 23.135 đồng/USD.