Ngày pháp luật

Kinh tế thế giới bắt đầu bước vào thập kỷ tăng trưởng yếu

Kim Dung

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm từ 6% trong năm 2021 xuống còn 3,2% trong năm 2022 và 2,7% vào năm 2023.

Theo Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại Tressis Gestion, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ đối mặt với một thập kỷ tăng trưởng chậm chạp.

Năm nay, các quốc gia trên thế giới phải chật vật xoay sở với nhiều cú sốc dẫn đến lạm phát tăng vọt và các hoạt động kinh tế suy giảm.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm từ 6% trong năm 2021 xuống còn 3,2% trong năm 2022 và 2,7% vào năm 2023. IMF cho biết đây là “mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2001 ( trừ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19)”.

Trong khi đó, lạm phát trên toàn cầu được dự báo tăng từ 4,7% trong năm 2021 lên mức 8,8% trong năm nay, sau đó sẽ giảm còn 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương lớn.

Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại Tressis Gestion
Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại Tressis Gestion

Ngày 27/12, Trung Quốc đã làm dịu một phần nỗi lo của các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư trên toàn cầu khi chính thức tuyên bố chấm dứt yêu cầu cách ly đối với người nhập cảnh kể từ ngày 8/1. Đây là động thái chấm dứt chính sách Zero Covid kéo dài suốt 3 năm qua. 

Trong khi đó, chính sách tăng lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để chống lạm phát dẫn đến khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ trong năm 2023 ở mức 50% và khả năng suy thoái tại một thời điểm nào đó trong vòng 2 năm tới là 75%.

Chuyên gia Lacalle cho biết, việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế là “dấu hiệu tích cực nhất” mà thị trường có thể kỳ vọng trong năm 2023.

“Chúng tôi đã trông thấy một bức tranh kinh tế Trung Quốc hết sức ảm đạm. Đây là một điều bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, ông Lacalle cho hay. “Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế chắc chắn sẽ tạo động lực lớn cho sự tăng trưởng của toàn thế giới. Các nhà xuất khẩu của Đức, Pháp,… đều đã thấm tháp những ảnh hưởng từ các biện pháp phong tỏa và sự suy yếu của nền kinh tế".

Tuy nhiên theo ông Lacalle, động lực từ việc mở cửa của Trung Quốc sẽ không thể ngay lập tức đưa tăng trưởng kinh tế toàn cầu sớm trở lại mức của những năm trước đại dịch.

“Tôi cho rằng chúng ta có thể sắp bước vào một thập kỷ tăng trưởng rất, rất nghèo nàn mà trong đó, các nền kinh tế phát triển may mắn cũng chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 1% mỗi năm. Và đáng tiếc hơn nữa là lạm phát vẫn ở mức cao”, Lacalle nói.

“Tôi cũng nghĩ chúng ta đang đối mặt với hệ quả của những gói kích thích kinh tế khổng lồ được tung ra trong năm 2020 và 2021. Những gói kích cầu đó không mang lại mức tăng trưởng tiềm năng như mong đợi của nhiều chuyên gia kinh tế”.

Tuy nhiên, bất chấp triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm, ông Lacalle nhấn mạnh rằng sẽ không có một cuộc khủng hoảng nào trong thời gian tới.

Tin Cùng Chuyên Mục