Hàng nghìn nhân viên của Amazon đã dõi theo cuộc họp định kỳ 6 tháng một lần của công ty vào ngày 17/10. Hầu hết mọi người đều có một câu hỏi chung, đó là: suy thoái kinh tế liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chi tiêu của Amazon trong tương lai?
Vị CEO của Amazon - Andy Jassy cho biết, tập đoàn đang thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô không chắc chắn, song, công ty vẫn theo đuổi đầu tư những dự án dài hạn.
"Nhiều người đang lo lắng, cũng đúng thôi bởi không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra. Nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ gặp khó khăn trong tương lai gần. Và tôi không chắc khi nào điều này sẽ chấm dứt. Một trong những việc quan trọng nhất mà Amazon có thể làm hiện nay là hướng tới năm 2023 cùng những mục tiêu mới”, ông Andy Jassy chia sẻ.
Thời kỳ của cắt giảm tối đa, tiết kiệm chi phí
Cùng kỳ năm trước, ngành công nghệ thực sự sôi động khi giá cổ phiếu các công ty công nghệ tăng vọt. Số lượng người đứng đầu tại Big Tech cũng tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch bùng phát. Người lao động theo đó được hưởng mức lương cao hơn và có nhiều cơ hội việc làm mới.
Mọi thứ dường như đã thay đổi trong năm nay. Triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám sau khi áp lực từ lạm phát gia tăng, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, xung đột địa chính trị nổ ra… Nhiều chuyên gia dự báo sẽ có một đợt suy thoái kinh tế diễn ra nhưng chưa định đoán được mức độ nghiêm trọng của nó.
Lúc này, các nhà lãnh đạo tại những "ông lớn" ngành công nghệ lớn với giá trị vốn hóa thị trường khổng lồ đều đang nín thở, chuẩn bị đón nhận "cơn bão" ập đến.
Keith Hwang, CEO của quỹ đầu tư công nghệ Selcouth Capital Management, cho biết: “Tôi nghĩ rằng tất cả các công ty này đều nằm trong cái gọi là “Great Hesitation” (cắt giảm tối đa, tiết kiệm chi phí). Không ai biết rõ về mức độ nghiêm trọng của việc cắt giảm này cũng như chưa ai thấy tác động đầy đủ của điều đó. Tất cả công ty đều đang cố gắng cắt giảm chi phí thấp nhất có thể”.
Một số công ty công nghệ lớn sẽ "tổn thương" hơn
Mỗi công ty công nghệ sẽ hứng chịu mức độ tác động khác nhau trong bối cảnh hiện tại. Các công ty cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp lớn tương đối tách biệt. Điều này là tin tốt cho những ông lớn như Microsoft, Salesforce, các dịch vụ đám mây AWS của Amazon và bộ phận đám mây của Google.
Các doanh nghiệp này có thể cắt giảm nhiều loại chi phí một cách dễ dàng hơn so với một số đơn vị cùng ngành.Trong thời kỳ suy thoái, ngân sách cho quảng cáo thường là khoản chi tiêu đầu tiên bị cắt giảm. Điều đó đồng nghĩa với việc một số công ty dựa nhiều vào quảng cáo như với Meta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Google với sự phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ quảng cáo trên Search và YouTube, cũng sẽ bị ảnh hưởng.
John Lovelock, một nhà phân tích tại Gartner, cho biết ngoại trừ Apple, các nhà sản xuất PC và thiết bị công nghệ, cũng có nguy cơ gặp rủi ro khi lạm phát đang ảnh hưởng đến sức chi tiêu của người tiêu dùng.
Làn sóng sa thải nhân sự
Đầu tháng 10, bộ máy quản lý cấp cao của Facebook đã nhận được chỉ thị từ cấp trên về việc cố gắng cắt giảm nhân sự trong im lặng. “Những đợt sa thải yên lặng” như vậy là một chiến thuật ngày càng được nhiều công ty sử dụng để giảm thiểu số lượng nhân viên mà không phải trả chi phí bồi thường và công khai những thông tin tiêu cực.
Amazon nổi tiếng với nhiều nhân viên ưu tú nhưng họ cũng phải thanh lọc những cá nhân được đánh giá là có hiệu suất công việc thấp.
Bên cạnh việc sa thải nhân sự, nhiều công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft, Alphabet và Meta, đều đã "đóng băng" tuyển dụng toàn bộ hoặc một phần trong thời gian qua.
Việc sa thải nhân sự này được cho là "gây sốc" sau khi các doanh nghiệp đã tuyển dụng ồ ạt trong suốt hai năm đại dịch.
Sự lo lắng của nhóm Big Tech cũng được thể hiện qua cách họ cắt giảm ngân sách cho dự án nghiên cứu và kinh doanh thử nghiệm. Đơn cử, Amazon đã đóng cửa dịch vụ Amazon Care telehealth - một thiết bị gọi điện video dành cho trẻ em có tên là Glow, đồng thời thu hẹp quy mô đội ngũ robot cũng như phòng thí nghiệm chụp ảnh Grand Challenge.
Nhà phân tích tại Gartner - John Lovelock - cho rằng, sự lo lắng về một cuộc suy thoái tiền mặt, dòng tiền không phải là vấn đề chính. Lạm phát mới chính là điểm cần được quan tâm. Các đợt tăng lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạo ra áp lực lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ chững lại.