SẢN VẬT TP HCM
Trầu cau Hóc Môn - Bà Điểm
“Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Trầu loan, trầu phượng, trầu mình lấy ta…"
Trầu cau là sản vật đặc biệt của người Việt Nam, trước kia người Viêt Nam có phong tục ăn trầu cau nên nơi nào có người Việt Nam nơi đó có trồng trầu cau. Hiện nay trong quá trình đô thị hóa, toàn huyện chỉ còn xã Bà Điểm giữ lại truyền thống trồng trầu cau.
Trước đó, những người nông dân đầu tiên đến đây đã lao động gian khổ, cật lực, khai phá rừng rậm, bãi hoang để trồng tỉa và chăn nuôi. Chủ yếu họ trồng lúa, khoai và hoa màu, dần dần họ phát triển thành những vườn cây ăn quả. Đặc biệt họ trồng trầu cau thành những mảnh vườn xanh tốt quanh năm.Từ 6 thôn dần dần được phát triển thành 18 thôn, cái tên “Mười tám thôn vườn trầu” cũng từ đây mà ra.
Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, cây trầu phát triển xanh tốt quanh năm. Mười tám thôn, thôn nào cũng trồng cau và trầu. Trầu trồng từ vườn nhà này tiếp nối vườn nhà kia, tạo thành một vùng trầu xanh tươi bát ngát.
Trong quá trình đô thị hóa, hiện chỉ còn lại xã Bà Điểm là còn giữ truyền thống trồng trầu cau với khoảng 30ha, con đường dẫn vào xã vẫn xanh ngát những hàng cau đã từng là niềm tự hào của vùng đất Gia Định xưa. Trầu Bà Điểm nổi danh bởi hương vị cay, thơm rất đặc trưng, chuyên cung cấp cho nhiều nơi sử dụng cho cưới hỏi, lễ Tết và ăn hàng ngày.
Cá chìa vôi Cần Giờ
Cá chìa vôi là một loại cá hiếm, chúng chỉ sống ở vùng ngã ba cửa biển. Ở Nam Bộ, cá chìa vôi xuất hiện quanh năm trên ngã ba sông Đồng Chanh - Cần Giờ.
Cá chìa vôi giống như cá hanh nhưng lớn hơn, có những con nặng tới cả chục ký, mình dày, bụng to, đầu nhỏ, toàn thân từ vây đến vảy là một màu vàng óng ánh. Đặc biệt, trên sống lưng cá có một cái vây dài cứng thon nhọn y hệt cái chìa vôi. Chiếc vây này chính là vũ khí tự vệ của cá. Khi bắt cá, nếu không cẩn thận sẽ bị chiếc vây có nọc này đâm vào tay rất buốt.
Chúng thường sống ở mực nước sâu, tĩnh lặng và ăn tạp. Đánh bắt cá chìa vôi bằng lưới không hiệu quả bởi lưới phải thả sâu dưới 3m nước, mật độ cá lại thưa thớt nên việc đánh bắt chính là giăng câu.
Thợ câu nói chung thường là những người kiên trì, thợ câu cá chìa vôi thì lại phải càng kiên trì hơn. Suốt đêm, người thợ bập bềnh trên con thuyền nhỏ làm bạn cùng sông nước. Mồi câu thường là ruột gà, ruột vịt, thịt bò,... Khi bắt được cá, người ta còn phải lo sao cho chúng sống vì khi chết thì cá sẽ không được giá cao nữa.
Cá chìa vôi có thể chế biến thành nhiều món. Nhưng nổi tiếng nhất là món gỏi cá chìa vôi. Bí quyết của món này chính là ở chỗ dùng gia vị bóp gỏi và cách pha nước chấm đặc chế. Vì thế miếng gỏi sẽ không mùi tanh của cá. Miếng cá giòn, đậm dịu cùng thoáng chua giòn của ngó sen và bùi ngậy của đậu phộng, hấp dẫn, lôi cuốn, khiến người ăn qua một lần là nhớ mãi.
Hủ tiếu Nam Vang
Hiện TP HCM chỉ còn vài tiệm hủ tiếu Nam Vang "gốc", lâu đời và bề thế. Dân sành ăn nơi đây cho rằng, trước năm 1970, ở Campuchia, nhiều quán hủ tiếu Nam Vang ngon nức tiếng thường do người Tiều làm chủ.
Tô hủ tiếu ở đây chỉ có thịt heo thái miếng và bằm, đĩa rau ăn kèm gồm xà lách và giá. Hơn 35 năm trước, món này theo làn sóng người Tiều gốc Việt hồi hương, phiêu bạt về TP HCM.
Đến nay, tô hủ tiếu trông có duyên hơn nhờ có thêm tôm sú, tim, gan, trứng cút,... Và đĩa rau ăn kèm món này cũng đa sắc hơn nhờ có thêm rau cần, tần ôm, hẹ.
Nhưng tất cả, đều giữ được cái hồn của hủ tiếu Nam Vang gồm chất tạo ngọt đậm và thanh cho nước lèo phải là nước hầm xương ống heo, màu trong hơi ánh vàng. Hay nước sốt chấm phải là hắc xì dầu xào với mỡ, nước dừa tươi quyện lại hơi sánh nhưng không được để khét, sau cùng cho thêm tỏi nguyên vỏ cháy mỡ vàng ươm vào. Còn riêng cọng hủ tiếu thì mỏng, dẹp, ăn dai và mịn.
Bò tơ Củ Chi
Thịt bò tơ Củ Chi nổi tiếng về độ mềm, ngọt có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. Dọc theo quốc lộ gần thị trấn Củ Chi, có nhiều sạp bày bán thịt bò tươi và quán bán các món ăn làm từ thịt bò, nhưng bò tơ lại là món ăn rất đặc biệt và hấp dẫn du khách nhất.
Khâu khó nhất là tìm cho được bò tơ cỡ khoảng 5 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 50 - 60kg. Ở lứa tuổi và trọng lượng này, thịt bò vẫn mềm nhưng vị ngọt đậm và rất thơm. Còn bê thường có trọng lượng từ 40kg đổ xuống, thịt hơi bở và không ngọt bằng bò tơ.
Hầu hết, khách đến nơi đây sẽ được ăn đĩa thịt bò luộc cùng với bánh tráng, mắm và rau. Thịt được chọn là lớp thịt liền da ở sườn bò như ba rọi heo, từng miếng thịt được cắt cỡ 3mm vừa đủ 3 lớp da, mỡ và thịt.
Sau đó, cuốn miếng thịt với các loại rau sống, chấm vào chén mắm đồng đặc sản Củ Chi và thưởng thức. Hương vị đặc sắc này khiến người ăn cuốn hoài không ngán.
Thịt bò tơ ngon ở chỗ thịt trắng, mềm, ngọt nhưng cách chế biến món luộc ở đây là rất công phu và tỉ mỉ. Sườn bò được xếp thành từng lớp, bên trên là những miếng thịt liền da, sau đó cho nước hầm từ xương và những gia vị như thảo quả, gừng, hành,... vào xâm xấp rồi cho lên lửa. Đây là cách nấu rất đặc biệt dùng hơi của nước lèo cùng gia vị thấm dần vào thịt cho đến khi chín, thịt không ngâm trong nước nên còn nguyên vị ngọt đặc trưng.