Ngày pháp luật

Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 25): gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, muối, dừa nước và bồn bồn Bạc Liêu

Thành Trung

Bạc Liêu là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều sản vật phong phú. Trong đó, nhiều sản vật còn vượt đại dương chinh phục cả những thị trường khó tính, đem lại niềm tự hào cho người dân tỉnh Bạc Liêu.

SẢN VẬT BẠC LIÊU

Gạo Một bụi đỏ Hồng Dân

Nổi tiếng không chỉ khắp Bạc Liêu, gạo Một bụi đỏ Hồng Dân còn nức tiếng khắp cả nước bởi giá trị xuất khẩu rất tốt. Gạo được sản xuất trên một diện tích lớn của huyện Hồng Dân và huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Đồng lúa huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Đồng lúa huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Đất Hồng Dân có phần lớn diện tích đất sản xuất bị nhiễm phèn, mặn, hiếm có loại cây nào sống và sinh trưởng tốt như lúa Một bụi đỏ. Thời gian sinh trưởng của lúa Một bụi đỏ khoảng 120 ngày đến 135 ngày, quy trình sản xuất theo hướng tự nhiên, khi trồng không cần sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Gạo Một bụi đỏ Hồng Dân.
Gạo Một bụi đỏ Hồng Dân.

Loại gạo này hạt dài, thon, chắc, đều, hương thơm nhẹ nhàng và màu sẫm đỏ. Khi xay xát, loại gạo này không bị vỡ vụn như những loại gạo thông thường khác nên hạt cơm to, giữ nguyên hương vị và chất dinh dưỡng.

Đặc biệt loại gạo này cơm thơm, nở mềm, ngon và đảm bảo khá đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là chất sắt vốn có tỷ lệ không cao ở các loại gạo khác. Gạo Một bụi đỏ Hồng Dân thích hợp để thay thế gạo trắng thông thường dùng trong bữa cơm hằng ngày. 

Muối

Bạc Liêu được xem là thủ phủ của cánh đồng muối ăn của Việt Nam, bởi đây là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất cả nước. Bạc Liêu có 2 địa phương làm muối nổi tiếng là huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.

Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 25): gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, muối, dừa nước và bồn bồn Bạc Liêu - Ảnh 1

Muối Bạc Liêu có những nét đặc thù rất thú vị gắn liền với nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Muối được sản xuất ở Bạc Liêu có hàm lượng magie, canxi, sunfat...rất thấp do không có các vùng đá vôi ven biển. 

Muối có màu trắng hồng, ánh xám bắt mắt, không mùi, vị mặn đậm đà, không vị đắng, hạt khô và chắc, muối sạch không lẫn tạp chất… chính những yếu tố này đã làm nên thương hiệu muối Bạc Liêu từ bao đời nay, được người dùng ưu ái trong sản xuất nước mắm, nước tương và chế biến thực phẩm.

Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 25): gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, muối, dừa nước và bồn bồn Bạc Liêu - Ảnh 2

Nghề làm muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi trời nắng nhiều thì diêm dân trúng mùa, còn nếu bất chợt mưa dông đổ xuống khi muối chưa đủ độ mặn để cạo thì coi như công sức đổ xuống sông, xuống biển. Theo bà con diêm dân, mùa làm muối ở đây thường được bắt đầu từ khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau.

Muối Bạc Liêu không chỉ chứa đựng nhiều nét văn hóa của người dân miền biển ở nơi đây mà còn là địa điểm tuyệt đẹp thu hút đông đảo khách du lịch Bạc Liêu đến đây mỗi năm.

Dừa nước

Dừa nước hay còn gọi là dừa lá - loài duy nhất thuộc họ cau. Nó mọc dày đặc ở vùng đất cửa sông ven biển, các rạch miền sông nước Cửu Long hay khu vực có hệ sinh thái bán ngập mặn. Đến Bạc Liêu, chúng ta dễ dàng gặp được những rừng dừa nước bạt ngàn, xanh mướt này.

Dừa nước là loại quả riêng có ở miền Tây.
Dừa nước là loại quả riêng có ở miền Tây.

Dừa nước cho quả quanh năm nhưng nhiều nhất trong 2 tháng (khoảng tháng 8 đến tháng 10). Cây dừa nước có thân cây mọc ngang dưới lòng đất, trong khi phần lá và cuống hoa thì có xu hướng mọc lên trên.

Chính vì thế, dừa nước không được xem là cây thân gỗ dù tán lá của nó cao đến 9m. Hoa cái nở rộ thành chùm và hoa đực thường có màu vàng hoặc màu đỏ, dạng hình đuôi sóc.

Mỗi quả dừa nước kết chặt lại, ghép với nhau thành hình cầu.
Mỗi quả dừa nước kết chặt lại, ghép với nhau thành hình cầu.

Nếu như những giống dừa khác quả mọc trên ngọn thì đối với dừa nước những quả mát lành lại kết chùm trên thân cây gần mặt đất. Khi hoa thụ phấn, những quả dừa nhỏ ép vào nhau để phát triển và tạo buồng có hình cầu trông như quả bóng với đường kính dao động từ 25 - 30cm, nằm ở trên mỗi đầu cuống.

Cơm dừa nước màu trắng đục, mềm dẻo, vị ngọt nhẹ.
Cơm dừa nước màu trắng đục, mềm dẻo, vị ngọt nhẹ.

Gọi là dừa nước nhưng quả lại không có nước, chỉ có cùi (cơm dừa) hình giống quả nhót, màu trắng đục. Quả dừa nước ngon là phải mềm dẻo, cùi chứa lượng nước vừa phải, vị ngọt nhẹ, bùi bùi, thanh mát.

Có công dụng như dừa xiêm nhưng dừa nước tính hàn, vị nhạt hơn và được dùng làm thuốc trong Đông y để điều trị một số bệnh. Dừa nước có tính ngọt mát, không độc, giúp tăng cường khí lực, thanh nhiệt, lợi tiểu, cầm máu, tiêu sưng, tiêu độc…

Bồn Bồn

Bồn bồn là nguyên liệu thường thấy trong ẩm thực xứ sở Bạc Liêu. Loài cây này còn có tên gọi khác là thủy hương, một loại cây thuộc họ sậy, có nhiều trên những mặt nước nhiễm phèn. Vì vậy vùng ngập mặn tỉnh Bạc Liêu nghề trồng cây bồn bồn vô cùng nổi tiếng.

Người dân thu hoạch bồn bồn.
Người dân thu hoạch bồn bồn.

Bồn bồn gốc trắng lá xanh là một loại thức ăn rất lành vì dù mọc hoang hay được trồng đại trà thì nó vẫn là loài cây không cần chăm sóc, bón phân, chỉ lớn lên nhờ những dưỡng chất mỡ màu từ đất nên nó rất an toàn.

Mùa bồn bồn thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Vào khoảng thời gian này, những vạt bồn bồn đua nhau phủ lên một màu xanh mướt. Người nông dân chỉ cần kéo lấy những ngọn bồn bồn trên mặt nước, giữ lại từ gốc lên khoảng 30cm rồi tách lấy lõi non bên trong là có ngay nguyên liệu để chế biến nhiều món ngon cực kì hấp dẫn.

Lõi bồn bồn sau khi loại bỏ phần lá già.
Lõi bồn bồn sau khi loại bỏ phần lá già.

Món canh bồn bồn được chế biến khá đơn giản, chỉ cần dùng ít thịt ba chỉ hầm nước dừa rồi cho thêm bồn bồn, nêm gia vị vừa đủ ăn là có ngay một món ngon khó cưỡng.

Ngoài món canh hầm bồn bồn, người ta còn chế biến được rất nhiều món hấp dẫn khác như bồn bồn xào tép, bồn bồn làm rau ăn lẩu hay chấm cá kho, mắm kho, thịt kho,…