Hàng loạt thương vụ gây quỹ lớn gần đây cho thấy đầu tư tác động (impact investing) đang trở thành một loại hình đầu tư chủ đạo ở châu Á.
Bên cạnh lợi nhuận, đầu tư tác động hướng tới tạo ra các hiệu ứng xã hội hoặc môi trường rõ ràng. Hình thức đầu tư khá đa dạng, nhưng nhìn chung vẫn là sử dụng tiền và vốn đầu tư để tạo ra các kết quả tích cực cho xã hội. Một số lĩnh vực được tính thuộc vào ngành tác động có thể kể đến: tài chính toàn diện, chăm sóc sức khỏe giá rẻ, biến đổi khí hậu, giáo dục,...
Các quỹ hàng trăm triệu USD đổ về châu Á
ADB Ventures, chi nhánh đầu tư mạo hiểm thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đang lên kế hoạch chốt quỹ thứ hai trị giá 100 triệu USD trong năm nay.
Vào tháng 3, công ty quản lý tài sản tác động tập trung vào khu vực châu Á Insitor Partners đã giải ngân 42 triệu USD trong quỹ thứ hai trị giá 70 triệu USD của mình.
Trong cùng tháng, Ngân hàng Thế giới Phụ nữ (WWB) đã huy động được 103 triệu USD cho quỹ WWB Capital Partners II, nhằm “thu hẹp khoảng cách giới trong hòa nhập tài chính”. Quỹ đã hỗ trợ công ty tài chính nhà ở giá rẻ Ấn Độ Sitara và công ty cho vay MSME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Indonesia là Amartha.
“Đông Nam Á là một trong hai khu vực ưu tiên với các quỹ toàn cầu của chúng tôi. WWB dự kiến sẽ triển khai một lượng vốn đáng kể ở khu vực trong năm nay”, Christina Juhasz, một giám đốc tại WWB Asset Management cho biết.
Đông Nam Á được quan tâm
Theo International Finance Corporation (IFC), thị trường toàn cầu cho các khoản đầu tư tác động ước tính đạt khoảng 2.300 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó Đông Nam Á nổi lên là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất cho các khoản đầu tư dạng này.
Dữ liệu từ Mạng lưới Đầu tư Tác động Toàn cầu (GIIN) cho thấy chỉ riêng Đông Nam Á đã ghi nhận 904 triệu USD được triển khai bởi các nhà đầu tư tác động tư nhân và khoảng 11,2 tỷ USD được triển khai bởi các tổ chức tài chính phát triển kể từ năm 2007.
Khảo sát mới nhất của GIIN cũng chỉ ra rằng 52% nhà đầu tư được hỏi xác nhận họ có kế hoạch tăng phân bổ vốn cho Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới.
Daniel Hersson, một nhà quản lý quỹ cấp cao tại ADB chia sẻ: “Ngày càng nhiều lĩnh vực tác động đang trở thành lĩnh vực đầu tư chính. Không khó để ADB Ventures tìm được các nhà đầu tư đối tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có ảnh hưởng”.
Micaela Ratini, đối tác tại Insitor bổ sung rằng các nhà quản lý quỹ ngày nay theo đuổi đầu tư tác động bởi ngành này “ít nhạy cảm hơn với sự gián đoạn thị trường”.
Khí hậu là lĩnh vực có tiềm năng đầu tư lớn
Theo IFC, việc Chính phủ các nước cam kết trung hòa phát thải đã tạo ra rất nhiều cơ hội đầu tư cho các thị trường mới nổi. Những lĩnh vực như khí hậu, năng lượng bền vững hay lưu trữ pin ở Đông Á và Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam có thể trị giá tới 5.100 tỷ USD.
Ngay cả các tập đoàn công nghệ cũng nhận ra tầm quan trọng về khí hậu. GoTo (Indonesia) đã quyết định sử dụng xe điện cho toàn bộ đội xe vận chuyển và giao hàng vào năm 2030. Đây là một phần trong cam kết “ba không” của công ty bao gồm không phát thải, không chất thải và không có rào cản.
Theo ông Hersson, chỉ khoảng 2% vốn tư nhân trong khu vực đổ vào các công ty công nghệ khí hậu. Điều này có nghĩa là vẫn còn rất nhiều cơ hội cho sự phát triển.
Thị trường lớn chưa được khai thác
Micaela Ratini khẳng định trái với suy nghĩ của nhiều người, lĩnh vực đầu tư tác động không thiếu những cơ hội đầu tư chất lượng. Quỹ đầu tiên của Insitor đã chốt ở mức 34 triệu USD vào năm 2015 ghi nhận khoảng 600 công ty phù hợp với định hướng đầu tư mà công ty vạch ra.
Fernanda Lima - đối tác tại Leapfrog Investments - công ty chuyên đầu tư vào lĩnh vực tài chính và chăm sóc sức khỏe ở các thị trường mới nổi cho biết:
“Có khoảng 2 tỷ người tiêu dùng mới nổi ở những thị trường mà Leapfrog tham gia với sức mua tổng hợp trên 10.000 tỷ USD. Đây là một thị trường lớn, chưa được khai thác và có lợi nhuận cao. Nếu các công ty đang nhắm mục tiêu đến người tiêu dùng kỹ thuật số mới nổi, họ có thể hướng đến mức tăng trưởng 30-40% một năm”.
WWB chỉ ra Indonesia và Philippines đang đi đầu Đông Nam Á trong việc cung cấp hệ thống dịch vụ kỹ thuật số, với nhiều công ty khởi nghiệp được cấp giấy phép thành lập ngân hàng điện tử. Ngoài ra, WWB cũng nêu tên Việt Nam và Campuchia là những nước đang có xu hướng tích cực trong việc cải thiện và đồng bộ hóa tài chính kỹ thuật số.