Theo các chuyên gia ngân hàng hàng đầu Phố Wall, bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn cầu, Đông Nam Á vẫn là thị trường đầu tư tương đối an toàn.
Dưới đây là một số phân tích của các chuyên gia đến từ Goldman Sachs và JPMorgan Asset Management về cơ hội đầu tư tại khu vực Đông Nam Á trong quý II/2022.
Indonesia: Phát triển ngân hàng và hàng hóa
Các chuyên gia được hỏi từ cả hai ngân hàng đều đồng ý rằng Indonesia là thị trường đầu tư tốt nhất khu vực.
“Với Indonesia, chúng tôi tích cực về khả năng tăng trưởng trong ngành ngân hàng vì phần lớn dân số ở đây vẫn chưa có ngân hàng hoặc thiếu ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. JPMorgan hiện đang quan tâm tới những ngân hàng tư nhân hàng đầu và cả các ngân hàng quốc doanh Indonesia vì họ đã chủ động thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số", ông Desmond Loh, giám đốc danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management nhận định.
Giá hàng hóa tăng mạnh trên toàn cầu cũng có lợi cho thu nhập xuất khẩu của Indonesia, giúp nước này cân bằng cán cân thương mại và hỗ trợ tỷ giá đồng rupiah.
Việt Nam và Singapore
JPMorgan Asset Management cũng giành nhiều quan tâm với Việt Nam. Ông Loh gọi nước ta là "ngôi sao" trong khu vực về khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong vài năm qua.
"Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong suốt đại dịch. Để tận dụng sự tăng trưởng, chúng tôi đã đầu tư vào các ngân hàng và công ty tiêu dùng chất lượng cao", ông Loh nói, tuy nhiên từ chối tiết lộ cụ thể những cổ phiếu mà JPMorgan đã đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, Singapore là quốc gia Đông Nam Á mà Goldman Sachs đặt nhiều kỳ vọng. Timothy Moe, trưởng chiến lược gia cổ phiếu khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Goldman chỉ ra 3 lý do khiến họ thích đầu tư vào Singapore:
- Đà tăng trưởng kinh tế đang cải thiện và phục hồi sau Covid-19
- Lĩnh vực ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số chứng khoán ở Singapore và được hưởng lợi từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ và lãi suất tăng
- Bắt đầu xuất hiện các công ty kinh tế kỹ thuật số trên sàn chứng khoán Singapore.
Chỉ số Jakarta Composite đã tăng hơn 7% trong năm nay, chỉ số VN Index của nước ta tăng khoảng 1% trong cùng kỳ. Chỉ số Straits Times của Singapore cũng tăng hơn 9%. Để so sánh, chỉ số cổ phiếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) do MSCI thống kê đã giảm 6%.
Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 giảm 4,6% trong năm 2022, trong khi chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu đã giảm khoảng 6%.
Không có dòng vốn chảy ra ngoài Đông Nam Á trong thời gian gần
Vào tháng 3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và chủ tịch Fed Jerome Powell cam kết sẽ có hành động cứng rắn để kiềm chế lạm phát “quá cao”.
Viễn cảnh Fed tăng lãi suất nhiều hơn nữa đã làm dấy lên lo ngại về dòng vốn chảy ra ngoài và đồng tiền mất giá ở các thị trường mới nổi như Đông Nam Á - điều đã từng xảy ra vào năm 2013.
"Chúng tôi không nhận thấy một đợt dịch chuyển dòng chảy vốn ra khỏi ngoài ASEAN. Tình hình tài chính của các quốc gia trong khu vực nhìn chung đã lành mạnh hơn nhiều so với một thập kỷ trước", ông Loh nói.
Hầu hết các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, vẫn chưa thắt chặt chính sách tiền tệ, một phần do tình hình lạm phát trong khu vực vẫn chưa quá nghiêm trọng nếu so với các nền kinh tế phát triển ở phương Tây.
Link bài gốc