Tập đoàn Keppel có trụ sở tại Singapore, đang tích cực tìm cách đầu tư vào các dự án bất động sản, năng lượng và môi trường ở nước ta thông qua quỹ Keppel Việt Nam (KVF).
Phát triển nhà ở đô thị
Trong lĩnh vực bất động sản, công ty đang nhắm đến các dự án phát triển khu dân cư có vị trí thuận lợi, bất động sản thương mại, các dự án hỗn hợp và khu đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
KVF được hai công ty con của Keppel Group - Keppel Capital và Keppel Land phối hợp ra mắt vào năm 2020 và nhanh chóng đạt được mức tài sản 400 triệu USD vào tháng 12 cùng năm. Nếu tận dụng đầy đủ các biện pháp đòi bẩy, quỹ sẽ có khả năng đạt 1 tỷ USD tài sản quản lý.
Vào tháng 1 năm nay, KVF đã ký một thỏa thuận với công ty cổ phần Địa ốc Phú Long để mua 49% cổ phần trong ba khu đất ở tại Mailand Hanoi City với tổng giá trị 2.715 tỷ đồng (khoảng 119 triệu USD).
Keppel đã có mặt tại Việt Nam từ khi đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn bùng nổ kinh tế những năm 1990. Keppel Land là một trong những nhà đầu tư bất động sản nước ngoài lớn nhất tại nước ta với danh mục đầu tư chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, bao gồm các bất động sản văn phòng, thương mại và nhà ở tại các thị trấn.
Hiện Keppel Land có 21 dự án được cấp phép tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,5 tỷ USD.
Ngoài các dự án mang tính biểu tượng như Saigon Centre tại TP. Hồ Chí Minh, Keppel Land cũng đã phát triển một số dự án tại Hà Nội trong những năm qua, bao gồm International Centre, Sedona Suites Hanoi và tòa nhà văn phòng Vietcombank. Công ty cũng đã hợp tác với Phú Long từ năm 2019 để phát triển thành công bốn dự án khu dân cư tại phía Nam TP. Hồ Chí Minh.
Cơ hội về năng lượng và môi trường
Việt Nam đã cam kết đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050, điều này mang đến cơ hội phát triển cho Keppel bởi công ty cũng có chung các mục tiêu phát triển bền vững.
Vào tháng 2 năm nay, Keppel đã thông báo về việc hợp tác với Sovico - tập đoàn mà tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là chủ tịch. Hai bên sẽ cùng nghiên cứu và triển khai các giải pháp năng lượng và môi trường tại các "thành phố cửa ngõ trọng điểm" ở Việt Nam, bắt đầu với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Nguồn nhiên liệu bền vững mà Keppel và Sovico phát triển sẽ được cung cấp trước tiên cho Vietjet - công ty do Sovico sở hữu phần lớn trước khi phân phối cho những hãng hàng không khác.
Keppel Urban Solutions cũng sẽ hợp tác với Sovico để tìm ra giải pháp nâng cao dịch vụ đô thị, bao gồm quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng, dịch vụ định vị và quản lý thị trấn, bắt đầu từ Mailand Hanoi City.
Keppel đã có một thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và môi trường nước ta. Năm 2007, Keppel Seghers Engineering, bộ phận công nghệ môi trường thuộc Keppel Integrated Engineering (KIE), đã được UBND TPHCM chấp thuận phát triển nhà máy chuyển hóa chất thải thành năng lượng (WTE). Đây là nhà máy WTE lớn nhất Đông Nam Á, nếu không tính Singapore.
Việt Nam đang thu hút nhiều nhà phát triển bất động sản Singapore. Bên cạnh Keppel, CapitaLand là một trong những nhà phát triển bất động sản nước ngoài tích cực nhất. Năm ngoái, CapitaLand tuyên bố họ đã tìm được vị trí đắc địa cho dự án khu dân cư quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, với giao dịch dự kiến hoàn thành trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, Mapletree Logistics Trust (MLT) cũng vừa thông báo mua ba cơ sở hậu cần hiện đại tại Việt Nam từ nhà tài trợ Mapletree Investments với giá khoảng 132,7 triệu SGD.