Ngày pháp luật

Cấm thuốc lá thế hệ mới là điều không thể

P.V

Nhiều chuyên gia cho rằng sẽ rất vô lý nếu để cho những người hút thuốc lá tiếp tục hút thuốc lá điếu đốt cháy - một sản phẩm đã được xác định là có mức độ độc hại cao nhất, gây ra nhiều bệnh lý và tử vong, phải chờ khoảng 10 - 15 năm nữa mà không được phép tiếp cận các giải pháp thay thế hiện có.

Đây là nhận định đã được chia sẻ từ các chuyên gia y tế trong và ngoài nước tham gia tại tọa đàm “Phòng chống tác hại thuốc lá – Hành động mới từ góc nhìn toàn cầu” do báo điện tử VnExpress tổ chức ngày 21/12 vừa qua. Tọa đàm đề cập đến thực trạng, gánh nặng do thuốc lá điếu gây ra ngày một lớn, đặc biệt số người hút thuốc mới có xu hướng gia tăng.

Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia dẫn chứng kinh nghiệm thực tế về tính khả thi của biện pháp cấm sử dụng thuốc lá tại nhiều quốc gia tiên tiến. Đồng thời dẫn chứng về lợi ích của các giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, trong đó bao gồm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM).

Từ 100 năm trước, Mỹ thất bại khi cấm thuốc lá điếu

Chia sẻ về nỗ lực của Chính phủ Mỹ trong việc ngăn chặn sử dụng thuốc lá điếu, ông Brad Rodu - Giáo sư Y khoa, Đại học Louisville, phụ trách các nghiên cứu giảm tác hại thuốc lá của Trung tâm Ung thư Brown cho biết: “Từ 100 năm trước, chúng tôi đã tiến hành một thử nghiệm cấm thuốc lá. Nhưng thử nghiệm đã thất bại. Chúng tôi không thể cấm một chất mà hàng triệu người Mỹ muốn tiêu thụ. Không may là hầu hết người Mỹ đang hút thuốc lá đều mắc phải những căn bệnh sau 20 đến 30 năm. Những căn bệnh có thể kể đến như bệnh phổi, khí phế thũng, các cơn đau tim, bệnh tim mạch và các bệnh ung thư”.

Từ những chia sẻ về lịch sử không khả thi khi cấm sử dụng thuốc lá điếu ở Mỹ, ông Brad Rodu nhấn mạnh tầm quan trọng của sản phẩm thuốc lá “không khói” nhằm giảm thiểu tỷ lệ thương vong do hút thuốc lá điếu gây ra. Ông Rodu cho biết nước Mỹ đang thúc đẩy các sản phẩm TLTHM đã được kiểm chứng là ít rủi ro hơn so với thuốc lá điếu. Ông khẳng định hậu quả do hút thuốc lá điếu để lại có thể xóa bỏ nếu người hút thuốc biết rằng nhu cầu về nicotine của họ hoàn toàn được đáp ứng mà không cần phải hút hoặc hít khói thuốc lá điếu độc hại.

Giáo sư Y khoa Brad Rodu.
Giáo sư Y khoa Brad Rodu.

Tại Việt Nam, dù chưa cho phép kinh doanh, người dùng vẫn dễ dàng tiếp cận sản phẩm TLTHM trên thị trường chợ đen. Điều này gây nên lo lắng về tính an toàn của các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng này, khi xảy ra nhiều vụ ngộ độc do sử dụng sản phẩm lậu hoặc sản phẩm giả hiệu, trá hình có chứa ma túy, chất cấm được pha trộn vào. Do vậy, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cấp bách đưa TLTHM vào quản lý để có biện pháp chế tài răn đe hợp lý nhằm kiểm soát những hành vi buôn bán trái phép, bảo vệ sức khỏe cho người dùng, giới trẻ và cả xã hội.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của Mỹ và dưới góc độ bảo vệ quyền lợi của người dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng cấm TLTHM là điều không thể. Theo bà Liên, sản phẩm này xuất hiện dựa trên nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người hút thuốc nên nhu cầu này cần được pháp luật bảo vệ, thay vì cực đoan là cấm hoàn toàn TLTHM.

Gần 80% người chưa thể cai thuốc cần có giải pháp thay thế

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 80% người hút thuốc lá sống tại các quốc gia thu nhập trung bình thấp, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi gánh nặng bệnh tật và số ca tử vong liên quan đến thuốc lá điếu. Thuốc lá điếu chứa khoảng 7000 chất, gần 100 chất trong số đó làm tăng tỷ lệ mắc ung thư phổi cao gấp 4 lần. Dù biết vậy, hiện Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Thực tế, cai thuốc lá vẫn là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, với người bệnh chưa muốn cai hay gặp khó khăn khi cai thuốc, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh đề xuất: “Chúng ta có thể tư vấn biện pháp giảm tác hại, như vậy sẽ giảm đi ảnh hưởng, tác động xấu mỗi ngày cho bản thân người bệnh”. Theo ông Ngọc, để các bác sĩ yên tâm tư vấn cho bệnh nhân, các giải pháp như TLTHM cần được chứng minh đầy đủ, khách quan các yếu tố về hàm lượng các chất gây hại, trước khi được cấp phép, đưa vào quản lý.

Đứng dưới góc độ chuyên môn của người làm trong lĩnh vực y tế, Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ - Ủy viên ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học, Hội Phổi Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nêu rõ hai tiêu chí nhằm đảm bảo chất lượng của TLTHM để được cho phép lưu hành.

Theo ông Sỹ, đầu tiên, nhà sản xuất TLTHM cần kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn về hàm lượng và mức độ cho phép của chất gây hại; nếu sản phẩm không đáp ứng đúng tiêu chuẩn thì sản phẩm lỗi, sẽ không được chấp thuận. Thứ hai, phải kiểm soát tính năng hệ mở của các dạng TLTHM, tránh tối đa việc người dùng tự pha chế thêm các chất khác nhau, dẫn đến việc khó kiểm soát tính an toàn của sản phẩm.

Hiện các cơ quan, ban, ngành đang thống nhất ý kiến sớm đưa TLTHM vào quản lý, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và giải quyết tình trạng buôn lậu, từ đó giảm gánh nặng, áp lực cho Nhà nước.

Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp xác định, nếu đã lập luận các sản phẩm TLTHM đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một sản phẩm thuốc lá như quy định của Luật, thì không có lý do gì phải thí điểm. Chúng ta có thể sửa Nghị định 67 (về kinh doanh thuốc lá) để đưa luôn sản phẩm đó vào quản lý chính thức.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, cơ quan được giao nhiệm vụ đề xuất phương án quản lý TLTHM, cũng đã làm việc với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan nhằm sớm trình Chính phủ phê duyệt.

Tin Cùng Chuyên Mục