Ngày pháp luật

Thuốc lá thế hệ mới: Cần kiểm soát như mọi loại thuốc lá khác

Thanh Nghị

Tại hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” tổ chức tại Hà Nội vừa qua, đại diện một số bộ, ngành tham dự đều đồng loạt cho rằng tiến trình kiểm soát các dòng sản phẩm thuốc lá mới hiện nay là đã muộn.

Vì vậy, các ý kiến mong muốn Bộ Công Thương – cơ quan chủ trì dự thảo khung pháp lý liên quan – thúc đẩy việc thống nhất ý kiến giữa các bộ, ngành để sớm đưa mặt hàng này vào vòng kiểm soát.

Để việc kiểm soát được áp dụng ngay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hiện hành chính là công cụ hữu hiệu và được các đại biểu thảo luận nhiều trong hội thảo. Hiện Bộ Công Thương cho biết sẽ sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTHTL về kinh doanh thuốc lá để làm cơ sở đưa thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) vào quản lý. Được biết, Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định Nghị định 67 sửa đổi này và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Người dùng “bị” đẩy ra thị trường đen

Vấn đề người hút thuốc giao dịch mua bán TLTHM trôi nổi, kém chất lượng, không có chứng từ, nguồn gốc từ thị trường chợ đen đã được xã hội quan tâm từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường nỗ lực để thực thi các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát buôn lậu nhưng do thiếu quy định cụ thể nên việc quản lý đã khó, lại còn gặp nhiều rào cản khi tiến hành xử phạt. Từ phía góc độ người sử dụng, dù bỏ nhiều tiền nhưng vẫn phải “đánh cược” với chính sức khỏe bản thân trước nhu cầu hợp pháp là được dùng những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu.

Chính vì vậy, tại hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện cho tiếng nói người dân nhấn mạnh sự kỳ vọng đối với việc sớm có biện pháp quản lý TLTHM, thay vì cứ tập trung thảo luận về tính chất khoa học đa chiều của sản phẩm qua nhiều năm nay. Trong khi đó, bà Liên chỉ ra thực tế: “Người dân vẫn cần phải sử dụng những loại TLTHM theo nhu cầu có thực, nhưng đây lại gần như trở thành sản phẩm cấm, không được phép lưu hành. Như vậy rất thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, cần đặt mình vị trí của người dân nói chung, người hút thuốc trưởng thành nói riêng.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, cần đặt mình vị trí của người dân nói chung, người hút thuốc trưởng thành nói riêng.

Đến nay, thuốc lá điếu dù là sản phẩm gây hại cho sức khỏe nhưng vẫn là ngành hàng được phép kinh doanh có điều kiện, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng hợp pháp. Do đó, trước quan điểm cấm TLTHM, sản phẩm có cùng mục đích cung cấp nicotine cho người hút thuốc, bà Liên khẳng định: “Bài toán ở đây là cấm thì không cấm được, chúng ta phải có giải pháp quản lý như thế nào để đảm bảo cho người tiêu dùng, vừa đáp ứng được nhu cầu của họ mà chúng ta cũng vừa quản lý được”.

Theo bà Liên, về cơ sở khoa học, thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn để cho phép quản lý đối với một số sản phẩm. Thế nhưng, dưới góc độ người dùng, việc thiếu quản lý và chưa có hướng dẫn của pháp luật là không công bằng và bình đẳng về cơ hội chăm sóc sức khỏe của người hút thuốc.

Dưới góc nhìn thị trường, bà Liên nhấn mạnh, TLTHM đã là hàng hóa và có nhu cầu thì việc kiểm soát nên là điều bắt buộc. “Nếu một loại sản phẩm xuất hiện trên thị trường, phù hợp với nhu cầu của thị trường thì chúng ta phải quản lý”, bà Liên nói.

Quản lý TLTHM - công cụ pháp lý kiểm soát buôn lậu

Chia sẻ thêm về tình trạng nhức nhối thị trường chợ đen của mặt hàng TLTHM cũng như những thách thức khi tiến hành xử lý mặt hàng này, TS Kiều Dương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương nêu rõ khó khăn của công tác QLTT với TLTHM nhập lậu.

Theo ông Kiều Dương, phải tìm cách quản lý TLTHM.
Theo ông Kiều Dương, phải tìm cách quản lý TLTHM.

Ông cho biết, vừa qua, một tỉnh miền Nam phát hiện một vụ việc tàng trữ khoảng 9 tấn “thuốc lá”. Cơ quan QLTT đã đưa các sản phẩm này đi kiểm nghiệm nhưng các cơ quan chức năng từ chối, cho rằng không có căn cứ để xác minh đó là thuốc lá hay không phải thuốc lá, cuối cùng chỉ xác nhận được là không có chất ma túy ở trong thành phần. Do đó QLTT buộc phải xử lý như là hàng hóa nhập lậu chung chung và tiến hành tiêu hủy.

Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Nguyễn Triết nhận xét, TLTHM lậu đã hiện hữu nhiều năm nay nên không thể cấm được, mà thay vào đó, “cần có hành lang pháp lý đối với mặt hàng này để bảo vệ người tiêu dùng”.

Ông Triết cũng đề xuất nên cho phép các nhà sản xuất trong nước sản xuất loại thuốc lá mới này ở mức độ vừa phải để từng bước thay thế dần hàng nhập lậu.

Ông Nguyễn Triết cho biết, cần có hành lang pháp lý với TLTHM vì không thể cấm.
Ông Nguyễn Triết cho biết, cần có hành lang pháp lý với TLTHM vì không thể cấm.

Chia sẻ thêm về tình trạng buôn lậu TLTHM hiện nay, ông Cao Trọng Quý - Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, các sản phẩm TLTHM đang lưu hành chỉ là sản phẩm “trôi nổi” theo các con đường như xách tay, nhập lậu. Bởi thế, nhu cầu quản lý chất lượng và nguồn gốc TLTHM hiện nay là rất cần thiết.

Đến nay việc quản lý đã muộn kể từ lúc có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2017, do đó, qua hội thảo, nhiều ý kiến đã cùng lên tiếng về tính cấp thiết của việc đưa TLTHM vào vòng kiểm soát của pháp luật.

Các sản phẩm cung cấp nicotine mà người hút thuốc tìm đến dù dưới hình thức thuốc lá điếu, thuốc lào, xì gà hay TLTHM cũng đều cần được cung cấp hàng chính danh với thông tin đầy đủ, cũng như có sự quản lý của Chính phủ, các cơ quan chức năng. Do vậy, việc cấm một sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu sử dụng là một phương thức tiếp cận khiêng cưỡng. Điều này cũng được ông Kiều Dương chỉ ra cùng với kỳ vọng rằng các cơ quan quản lý “nên có cách tiếp cận mở hơn, phải tìm được cách quản lý, có khung pháp luật phù hợp để điều chỉnh, đảm bảo TLTHM phát triển theo đúng định hướng mà chúng ta mong muốn”.

Tin Cùng Chuyên Mục