Ngày pháp luật

Dùng luật hiện hành để kiểm soát thuốc lá thế hệ mới như thế nào?

Mạnh Chương

Theo ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” cuối tháng 11 vừa qua, thuốc lá thế hệ mới cũng phải sớm chịu sự kiểm soát của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc phát biểu tại hội thảo.

Thuốc lá làm nóng không xếp cùng mục với thuốc lá điếu

Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội, nêu rõ: “Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) thì thuốc lá làm nóng (TLLN) được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Còn đối với thuốc lá điện tử (TLĐT) thì pháp luật hiện nay chưa có quy định”.

Trong định nghĩa và phân loại các sản phẩm thuốc lá, khoản 1, Điều 2 của Luật PCTHTL 2012 đã quy định: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.

Nhắc lại cơ chế phân loại cho TLLN của Luật PCTHTL tại hội thảo, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết: “Trong Luật PCTHTL, nhà làm luật bao giờ cũng có tính dự báo để luật được ổn định lâu dài, đó là ý “nguyên liệu thay thế khác”. Sử dụng nguyên liệu gì để đưa vào tẩu, vào máy để từ đó đưa một lượng nicotine vào cơ thể, thì dưới góc độ của một người hút thuốc, tôi cho rằng đó chính là thuốc lá. Ở góc độ Luật, ta đã có quy định dưới hình thức sản phẩm thì có “các dạng khác”, nguyên liệu thì có “nguyên liệu thay thế khác”.

Được biết, hiện nay, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) đã được luật hóa để kinh doanh tại nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia có trình độ phát triển về khoa học và công nghệ ở mức cao như Hoa Kỳ, các quốc gia trong cộng đồng Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay ở khu vực ASEAN, có Malaysia, Indonesia, Philippines...

Theo số liệu thống kê năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 79/111 quốc gia (trên 70%) cho phép hợp pháp hóa các sản phẩm TLĐT và có 184/193 quốc gia thành viên của WHO (trên 95%) đã đưa TLLN vào kiểm soát theo luật hiện hành về kiểm soát thuốc lá, hoặc đưa nhóm sản phẩm này vào danh mục hàng hóa khác.

Như tại khu vực ASEAN, Philippines đã tận dụng khung luật hiện hành để quản lý lần lượt từng loại sản phẩm TLTHM nhanh nhất có thể, giúp quốc gia này đạt được một số thành tựu nhất định. Trong số các quy định, Luật yêu cầu có khu vực công cộng riêng biệt cho phép dùng TLTHM trong khi vẫn cấm hút thuốc lá điếu.

Điều này cho thấy có sự phân biệt rõ ràng giữa hai loại sản phẩm này. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều tranh luận về cách quản lý đối với các sản phẩm nicotine thế hệ mới, quy định trên của Philippines có thể coi là một kinh nghiệm đáng tham khảo.

Quản lý ngay TLTHM, quyền lợi người dùng sớm được bảo vệ

Mặc dù đã có nhiều căn cứ khoa học chứng minh khí hơi aerosol của TLTHM có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn so với thuốc lá điếu, tại Việt Nam các bộ, ngành liên quan cũng đã có những thẩm định độc lập để làm cơ sở tham khảo về mặt kỹ thuật đối với sản phẩm. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm TLLN gồm 2 tiêu chuẩn về phương pháp thử nghiệm và 1 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật.

Ông Cao Trọng Quý chia sẻ về tiến trình để quản lý các sản phẩm TLTHM.
Ông Cao Trọng Quý chia sẻ về tiến trình để quản lý các sản phẩm TLTHM.

Chia sẻ về tiến trình để quản lý các sản phẩm TLTHM, tại hội thảo, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp Thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: “Năm 2021, Bộ Công Thương có 2 tờ trình 5200 và 5201 báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất chính sách về quản lý về các loại hình TLTHM. Về cơ bản, các bộ, ngành như là Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... đều thống nhất với việc Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp quản lý đối với mặt hàng TLTHM nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là cần thiết và có cơ sở”.

Ở góc độ tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng, chúng ta nên nhìn TLTHM dưới góc độ đây là một loại hàng hóa và nó xuất phát từ nhu cầu của thị trường, mà đã là hàng hóa thì cần quản lý. Nếu đó là một sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường thì càng cần quản lý. “Thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn đối với một số sản phẩm, bộ phận cấu thành TLTHM để chúng ta có cơ sở quản lý sản phẩm này trên thị trường”, bà Liên bổ sung thêm.

Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Nguyễn Triết cũng đánh giá: “Chúng ta cần thiết phải tìm ra được giải pháp làm giảm tình trạng buôn lậu tràn lan. Mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách ngăn chặn, kể cả xử phạt hình sự, nhưng người ta vẫn chấp nhận và tiếp tục buôn lậu. Do đó, tuy đã trễ nhưng chúng ta vẫn phải hành động để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam”.

Bàn về kỳ vọng đối với sự cần thiết ban hành chính sách quản lý các loại TLTHM, ông Cao Trọng Quý nói: “Với xu thế hội nhập về mọi mặt như hiện nay, việc trên thị trường xuất hiện những sản phẩm thuốc lá mới là điều không thể tránh khỏi… Chúng tôi mong muốn vấn đề chính sách đối với các sản phẩm TLTHM được thúc đẩy nhanh chóng hơn nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ một cách kịp thời”.

Theo Luật sư Phạm Sĩ Hải Quỳnh, TLLN bao gồm sản phẩm thuốc lá đặc chế và hệ thống làm nóng sản phẩm thuốc lá đặc chế này. TLLN hoạt động bằng thiết bị điện để làm nóng nguyên liệu thuốc lá bên trong để tạo ra nicotin. Do có nguyên liệu thuốc lá chứa trong sản phẩm thuốc lá đặc chế và như giải thích ở trên nên về góc độ luật pháp, TLLN được xem là "dạng khác" theo định nghĩa tại Luật PCTHTL.

Tin Cùng Chuyên Mục