Ngày pháp luật

Lối ra cho gánh nặng thuốc lá

Đình Nghi

Giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến khích trong phòng, chống tác hại thuốc lá là nên chấp thuận các sản phẩm thay thế thuốc lá thế hệ mới nào đã được kiểm chứng là ít tác hại hơn thuốc lá điếu đốt cháy thông thường, đồng thời có khả năng không tạo ra nhiều tác động ngoại ý đến xã hội.

Cai bỏ thuốc lá là biện pháp lý tưởng nhất để chấm dứt mọi hệ lụy từ thuốc lá, nhưng tỷ lệ cai thành công lại rất thấp và số người lựa chọn tiếp tục sử dụng nicotine vẫn không giảm. Việt Nam hiện vẫn có trên 17 triệu người hút thuốc lá trong độ tuổi hợp pháp. Do đó, giải pháp được khuyến khích là nên chấp thuận các sản phẩm thay thế giảm tác hại đã được kiểm chứng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện các sản phẩm này do gặp phải rào cản về chính sách nên chưa có cơ hội chứng minh vai trò giảm tác hại. Lý do các bộ, ngành đưa ra là chưa thống nhất được về định nghĩa thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) và cho rằng TLTHM ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, nên phải cấm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhu cầu hút thuốc lá và muốn có thêm lựa chọn sản phẩm thuốc lá giảm tác hại cho bản thân lẫn cộng đồng là có thật và rất cao nên thực tế đã xuất hiện thị trường chợ đen, trong khi sản phẩm chính danh chưa được cấp phép. Từ đó cho thấy, việc thả nổi quản lý là không khả thi, đã tạo kẽ hở cho TLĐT lậu, hàng kém chất lượng hay ma túy trá hình dễ dàng có cơ hội tiếp cận người dùng, đặc biệt là không đúng đối tượng vì không bị chế tài thích đáng.

Thuốc lá làm nóng: Cần quản lý như một loại thuốc lá

Hiện nay, một số sản phẩm TLTHM như TLLN, thuốc lá ngậm… có chứa thành phần nguyên liệu thuốc lá, trong đó TLLN hoạt động thông qua thiết bị làm nóng nguyên liệu thuốc lá bên trong để tạo ra nicotine.

Do đó, TLLN được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định là thuốc lá, đồng thời kêu gọi các nước thành viên quản lý theo luật quản lý thuốc lá của quốc gia, chấp hành những cam kết trong Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC). Theo đó, tính đến tháng 7/2021, đã có 184/195 quốc gia thành viên của WHO hợp pháp hóa việc kinh doanh và sử dụng TLLN.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận TLLN, sản phẩm thuốc lá không đốt cháy (Non-Combusted Cigarettes), là sản phẩm thuốc lá Điều chỉnh nguy cơ (MRTP) - Giảm thiểu phơi nhiễm với các chất gây hại lên cơ thể so với thuốc lá điếu và quản lý theo bộ luật Liên bang.

Nhật Bản cũng kiểm soát TLLN theo luật kinh doanh thuốc lá hiện hành, nhưng với khung quy định ít khắt khe hơn so với thuốc lá điếu, từ mức thuế thấp hơn, nội dung nhãn cảnh báo sức khỏe và khu vực cấm sử dụng ít hơn…, tuy nhiên vẫn giữ nguyên mức phạt nặng nếu nhà bán lẻ cung cấp sản phẩm cho trẻ vị thành niên. Động thái này nhằm bảo vệ người tiêu dùng trẻ tuổi và giúp chính quyền kiểm soát hiệu quả vấn đề lưu thông TLLN trong cộng đồng.

Về mặt cơ sở pháp lý ở Việt Nam, để xếp một sản phẩm thuộc hay không thuộc nhóm “thuốc lá” cần dựa trên việc xem xét sản phẩm đó có “được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá” hay không. Căn cứ vào định nghĩa này, dù ở góc độ thông lệ quốc tế hay Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) Việt Nam thì TLLN đều cần phải được xếp vào nhóm “thuốc lá” dạng khác.

TLTHM có phải là “cửa ngõ” đưa giới trẻ đến hút thuốc lá hay không?

Trên thực tế, có nhiều nghiên cứu đánh giá ở các quốc gia đã chấp thuận TLTHM cho thấy, ít có khả năng TLTHM là “cửa ngõ” dẫn dụ giới trẻ hút thuốc, thậm chí có thể theo chiều ngược lại.

Tại Anh, tổ chức chống thuốc lá Action on Smoking and Health (ASH) đã thực hiện 5 cuộc điều tra quy mô toàn cầu với thanh thiếu niên từ 11-16 tuổi từ năm 2015-2017 trước khi kết luận, đa số người trẻ tuổi chỉ thử nghiệm sử dụng TLĐT vì tò mò, chứ không trở thành người nghiện lâu dài. Tổ chức ASH cũng cho biết thêm, tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đã giảm đáng kể từ khi TLĐT xuất hiện trên thị trường.

Phía Nhật Bản đã công bố tỷ lệ sử dụng TLLN ở 60.000 học sinh cấp 2 và cấp 3 là chưa bằng 1/5 so với tỷ lệ hút thuốc lá điếu, theo một nghiên cứu do Chính phủ ủy nhiệm.

Trung tâm Giáo dục sức khỏe Liên bang Đức thực hiện nghiên cứu ở thanh thiếu niên thuộc hai nhóm từ 12 đến 17 tuổi và từ 18 đến 25 tuổi cũng cho thấy, chỉ có 0,1% thanh thiếu niên và 0,5% thanh niên cho biết đã sử dụng TLLN trong vòng 30 ngày. Những con số này thấp hơn nhiều so với 8,7% thanh thiếu niên và 32% thanh niên cho biết hiện đang hút thuốc lá điếu.

Đây là những tín hiệu đáng mừng, chứng minh rằng quan ngại “TLTHM ảnh hưởng lên người trẻ” là chưa có cơ sở thực tế.

Do đó, các chuyên gia nhận định, sự chậm trễ trong quá trình hoạch định chính sách quản lý TLTHM, xét về tình và lý, đều chưa thỏa đáng. Ngược lại, càng buông lỏng quản lý càng gây nhiều hệ lụy về sức khỏe cộng đồng. Việc chậm cấp phép và quản lý TLTHM sẽ tiếp tục gây thiệt hại ngân sách quốc gia, với mức thất thoát thuế do buôn lậu thuốc lá ước tính 8.500 tỷ đồng/năm...

Trong kỳ họp Quốc hội khóa XV, báo cáo của Chính phủ ghi nhận nhiều điểm sáng trong bối cảnh còn nhiều thách thức hiện nay. Chính phủ cũng đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp cần nỗ lực tiếp tục phát triển kinh tế sau COVID-19, trong đó cần có giải pháp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Đặt dưới bối cảnh ngành công nghiệp thuốc lá, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tạo điều kiện nhanh chóng thúc đẩy tiến trình xây dựng chính sách, hoàn thiện khung pháp lý cho TLTHM. Các chuyên gia chia sẻ thêm, thế giới bắt đầu kiểm soát TLTHM từ “con số 0 kinh nghiệm” nhưng nhiều quốc gia đã rất thành công. Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện và năng lực quản lý thông qua việc tham khảo những chính sách hiệu quả trên thế giới. Đặc biệt cần có sự thống nhất, phối hợp nguồn lực giữa các cơ quan, ban, ngành từ định nghĩa và quy định trong các văn bản luật cho tới quản lý thực tiễn nhằm ổn định thị trường, đảm bảo kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật.

Tin Cùng Chuyên Mục