Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam.
Kết luận thanh tra chỉ rõ, trong việc đầu tư xây dựng, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam có sai phạm khi thực hiện góp vốn dự án tại 152 Trần Phú (TP HCM). Trong đó, Tổng công ty không thực hiện đánh giá lại tài sản; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng hơn 30.000m2 tại địa chỉ 152 Trần Phú mà không xin phép Thủ tướng; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất có nguy cơ gây thất thoát tiền của Nhà nước, doanh nghiệp.
Dự án 152 Trần Phú (ở phường 2, quận 5) là “đất vàng” nằm trong khu vực sầm uất bậc nhất TPHCM. Khu đất có vị trí có 3 mặt tiền đường: Trần Phú – Lê Hồng Phong – Trần Nhân Tông. Trước đây, khu đất là Nhà máy thuốc lá Sài Gòn. Năm 2008, với việc di dời nhà máy ra huyện Bình Chánh, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam và Công ty Thuốc lá Sài Gòn quyết định góp vốn thực hiện dự án thương mại trên cùng các đối tác.
Theo Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, hợp đồng liên doanh quy định giá trị khu đất hơn 30.000m2 là hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, ghi nhận của các nhà đầu tư dự án tới nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Không những vậy, dự án còn được rao bán với mức giá rất cao, khoảng 4.520 tỷ đồng vào năm 2018 cho cả lô đất, tương đương 146 triệu đồng/m2.
Đối với việc quản lý đất đai, Thanh tra Chính phủ kết luận, một số thành viên của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam chưa hoàn thiện các thủ tục đối với diện tích đất được Nhà nước cho thuê (như Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá, Công ty Thuốc lá Sài Gòn).
Trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản, một số công ty thành viên chưa ban hành quy chế quản lý tài sản; chưa xây dựng định mức dự trữ hàng tồn kho; lượng hàng tồn kho lớn gây ứ đọng vốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; một số chi phí không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp bổ sung hơn 38,5 tỷ đồng.
Liên quan đến việc nhập thuốc lá nguyên liệu, trồng, chế biến nguyên liệu thuốc lá; sản xuất thuốc lá điếu, phân phối sản phẩm thuốc lá, hoạt động mua nguyên liệu thuốc lá còn một số tồn tại cần khắc phục như mua nguyên liệu thuốc lá của người trồng theo hình thức mua xô; bán lại nguyên liệu thuốc lá khi không có giấy phép mua bán nguyên liệu; không tổ chức chào hàng cạnh tranh để quyết định giá mua nguyên liệu…
Sử dụng nguồn phát triển thị trường tổ chức đi nước ngoài, trong đó nhiều đối tượng không đúng với mục đích chuyến đi. Nguồn gốc một số nguyên liệu thuốc lá của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung bán cho một số công ty thành viên có dấu hiệu hợp thức hóa nguyên liệu thuốc lá không hợp pháp.
Kiến nghị điều tra dấu hiệu trốn thuế
Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế kiểm tra việc kê khai, nộp thuế đối với các trường hợp thu mua nguyên liệu thuốc lá của các hộ nông dân được thực hiện bằng hình thức bảng kê để xác định giá tính thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp; xác định lại thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung.
Bộ Công Thương có nhiệm vụ chỉ đạo rà soát hoạt động mua bán nguyên liệu thuốc lá, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh nguyên liệu thuốc lá.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan thu hồi cơ sở nhà đất 30.927,7m2 tại 152 Trần Phú, TP HCM; xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc đến ngày 31/12/2023 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển cơ quan điều tra, Bộ Công an, để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Riêng tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo doanh nghiệp này rà soát toàn bộ vốn điều lệ đã điều chỉnh cho Công ty Thuốc lá Thăng Long, trong đó có khoản tiền hơn 73 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam còn chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nộp số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tính thiếu do một số khoản chi không được giảm trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (chi không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; chi phí vượt định mức tiêu hao nguyên vật liệu; chi hỗ trợ tiền lương cho nhà phân phối; chi hỗ trợ khách hàng cấp 3) số tiền hơn 38,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, làm rõ những vụ việc mua bán nguyên liệu của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung có dấu hiệu của tội “Trốn thuế”, theo Điều 200 Bộ luật hình sự.