Ngày pháp luật

Cấp thiết kiểm soát thuốc lá thế hệ mới

Thuận Nghĩa

Thuốc lá điện tử lậu là sản phẩm tiếp theo bị lợi dụng làm vỏ bọc cho ma túy núp bóng, tương tự như cách đóng gói ma túy dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc… Vấn đề này cũng đang là điểm nóng nhức nhối của xã hội hiện nay.

Vì vậy, việc cần có khung pháp lý quản lý chặt chẽ thuốc lá thế hệ mới nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng là hết sức cần thiết và được các bộ, ban ngành liên quan thảo luận tại hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11 vừa qua.

Quy định pháp luật bất cập, “rộng đường” cho thị trường chợ đen

Mặc dù từ năm 2017, Chính phủ đã có chỉ đạo quản lý thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, nhưng đến nay các sản phẩm này vẫn nằm ngoài các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các biện pháp chế tài thỏa đáng. Hệ lụy tất yếu là nguồn hàng lậu này tự do tiếp cận sai mục đích, sai đối tượng, tấn công vào học đường, gây lo lắng cho phụ huynh và xã hội.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội đã bắt đầu bằng một loạt thực trạng gây bức xúc trong dư luận. Ông Ngọc cho biết, việc sử dụng những sản phẩm TLTHM trong học sinh ngày một rõ ràng. Theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) ở học sinh lớp 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%.

Còn theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thông tin thì tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm TLĐT, hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp, một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.

Trong khi đó, TLTHM chỉ mới được xử lý bằng quy định về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và xử lý vi phạm hành chính.

Từ góc độ xử lý các hành vi mua bán trái phép TLTHM của các cơ quan chức năng, việc bắt giữ các tổ chức, cá nhân phạm tội và xử lý một sản phẩm không được Luật điều chỉnh là không dễ dàng. Ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã nêu ra trường hợp điển hình: “Một tỉnh miền Nam vừa phát hiện vụ việc tàng trữ khoảng 9 tấn thuốc. Chúng tôi đã đưa đi xét nghiệm nhiều nơi mà các cơ quan chức năng từ chối, không có căn cứ để xác minh các loại này là thuốc lá hay không phải thuốc lá, chỉ xác nhận chung là không có chất ma túy ở trong thành phần, mà không kết luận được tên gọi cụ thể. Cuối cùng chúng tôi phải xử lý thành hàng hóa nhập lậu chung chung và tiến hành tiêu hủy”.

Thực tế này cho thấy, dù phía cơ quan chức năng muốn áp dụng hình phạt răn đe, có tính chế tài mạnh tay đối với tội phạm buôn lậu cũng không khả thi, vì thiếu hướng dẫn cụ thể. Đây là nguyên nhân trong suốt nhiều năm qua tỷ lệ tội phạm buôn lậu TLTHM chỉ tăng, chứ không giảm và ngày càng mở rộng địa bàn kinh doanh, từ bán trên mạng cho người hút thuốc sang mở cửa hàng bán công khai, bất chấp đối tượng, tuổi tác.

Phó Cục trưởng Ngô Khải Hoàn trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam.
Phó Cục trưởng Ngô Khải Hoàn trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam.

Điều này tương tự như không thể cấm tất cả các loại bánh kẹo, trà sữa, thảo dược… chỉ vì một số sản phẩm này bị biến thành vỏ bọc trá hình chứa ma túy. Do đó, nếu chỉ cấm TLĐT cũng không thể giúp ngăn chặn ma túy triệt để. Kiểm soát chặt các sản phẩm này bằng các quy định pháp lý rõ ràng mới là giải pháp căn cơ.

Sửa đổi Nghị định 67 để có khung pháp lý quản lý TLTHM

Việc đề xuất phương thức kiểm soát TLTHM chính là một trong những mối quan tâm của Chính phủ. Từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm TLĐT, trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo Công văn 8750 vào tháng 10/2020, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với TLĐT, thuốc lá làm nóng theo ý kiến chỉ đạo trước đó của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2020.

Do đó, trong phát biểu tại hội thảo, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, đã nhấn mạnh sự cần thiết ban hành chính sách quản lý TLTHM. Ông Quý cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã tích cực đôn đốc sự phối hợp của các bên liên quan để hoàn thiện đề xuất về khung pháp lý quản lý TLTHM.

Bước tiến gần đây nhất là vào tháng 10/2022, lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã làm việc trực tiếp để cùng thống nhất một số nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) về kinh doanh thuốc lá, trong đó đề cập đến chính sách quản lý TLTHM. Theo tiến độ dự kiến, trong tháng 12 này, Bộ Công Thương sẽ trình Nghị định 67 sửa đổi để Chính phủ xem xét.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam - đơn vị tổ chức hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Ngô Khải Hoàn cho biết: “Đây sẽ là căn cứ để việc quản lý nhà nước về kinh doanh thuốc lá được thuận tiện và hiệu quả hơn”.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Lê Đại Hải cho rằng, TLTHM phù hợp với định nghĩa thuốc lá theo Luật PCTHTL năm 2012.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Lê Đại Hải cho rằng, TLTHM phù hợp với định nghĩa thuốc lá theo Luật PCTHTL năm 2012.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) - đơn vị thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67, phân tích: Vì TLTHM phù hợp với định nghĩa thuốc lá theo Luật PCTHTL năm 2012 và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là thuốc lá nên hoàn toàn có thể áp dụng quản lý bằng Luật và chính sách hiện hành. Cụ thể, Luật PCTHTL đã quy định thuốc lá là sản phẩm được làm từ một phần hay toàn bộ nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới nhiều hình thức gồm thuốc lá điếu đốt cháy, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, quy định này phù hợp với một số sản phẩm TLTHM.

Theo Luật Đầu tư 2020, hoạt động kinh doanh thuốc lá là nghề kinh doanh có điều kiện; phải đảm bảo điều kiện cần thiết nhằm mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn giao thông và đạo đức xã hội vì sức khỏe của cộng đồng. Như vậy, theo Luật Đầu tư và từ thực tiễn nhu cầu sử dụng TLTHM đã xuất hiện, việc Bộ Công Thương đề xuất tiến hành quản lý thay vì cấm đoán ngành hàng này, là hoàn toàn phù hợp.

Cũng theo Luật Đầu tư, TLTHM không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm. Nghị định số 69/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương cũng quy định rằng thuốc lá nói chung thuộc danh mục mặt hàng nhập khẩu được cấp phép, thỏa mãn điều kiện của Bộ Công Thương và Bộ Y tế (Phụ lục II, số thứ tự 7 và Phụ lục V: số thứ tự 1).

 

Bộ Y tế họp bàn chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, sáng 12/12 vừa qua, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn vừa chủ trì cuộc họp của Bộ Y tế về chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị thảo luận một số nội dung quan trọng như nguy cơ gia tăng sử dụng trong giới trẻ và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới; kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuốc lá mới; thực trạng sử dụng thuốc lá mới và một số vấn đề pháp lý cần quan tâm trong việc đề xuất cơ chế quản lý thuốc lá mới.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế rà soát, tập hợp lại các ý kiến, từ đó xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu đầy đủ, khách quan về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và đề xuất chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục