Ngày pháp luật

Việt Nam có thể thuộc top những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030

Theo The Leader

Bất chấp những thách thức đặt ra, Việt Nam vẫn gặt hái được nhiều thành tựu trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế, hứa hẹn sẽ tiến xa hơn nữa, vươn lên dẫn đầu khu vực ASEAN.

Năm 2020 có lẽ là một mốc thời gian đáng quên của các nền kinh tế trên thế giới khi phải gồng mình chống chịu với những cú sốc khủng khiếp từ đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng phức tạp trong quan hệ chính trị, thương mại toàn cầu.

Năm 2020 cũng là năm Việt Nam nắm giữ những vai trò to lớn trên trường quốc tế, khi từ tháng 6/2019 trúng cử trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và từ tháng 1/2020 đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN.

Việt Nam có thể lọt vào danh sách những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. (Ảnh: toyotavn)
Việt Nam có thể lọt vào danh sách những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. (Ảnh: toyotavn)

Ông Kyle Springer, nhà phân tích kinh tế cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu Perth USAsia, Đại học Tây Australia nhận định, với vai trò dẫn dắt ASEAN, Việt Nam đã thành công trong việc đưa tổ chức khu vực này ký kết thành công Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các đối tác, ngoại trừ Ấn Độ đã rút khỏi hiệp định do lo ngại về thâm hụt thương mại tăng cao.

Với quy mô chiếm 29% GDP toàn cầu, RCEP hứa hẹn sẽ trở thành một nền tảng thương mại thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi giá trị khu vực, cũng như loại bỏ các rào cản pháp lý đối với hoạt động đầu tư. Đây sẽ là bước tiến quan trọng hàng đầu đối với thương mại quốc tế kể từ khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời.

“RCEP là nền tảng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, thông qua nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư và hỗ trợ hoạt động thương mại”, ông Spinger nhận định.

Theo tin tức từ Bangkok Post, Hội nghị cấp cao RCEP sẽ được tổ chức vào ngày 15/11 sắp tới, nằm trong chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 được tổ chức trực tuyến. Mặc dù khó có khả năng thuyết phục Ấn Độ quay trở lại, RCEP được dự đoán là sẽ được ký kết tại hội nghị này.

Đây không phải là thành quả duy nhất của Việt Nam trên phương diện hội nhập kinh tế năm 2020. Tháng 8 vừa qua, hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) được đi vào hiệu lực và đã tạo ra những kết quả tương đối khả quan chỉ sau vài tháng thực hiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN đạt được mức tăng trưởng dương từ 2 - 3% trong năm 2020 kể cả với những kịch bản bi quan, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như các tổ chức, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Theo số liệu thống kê 3 quý đầu năm, nền kinh tế Việt Nam không thể đạt được mức tăng trưởng cao trong năm nay nhưng vẫn duy trì được sự ổn định trong nền tảng vĩ mô, với tỷ lệ lạm phát được giữ mức dưới 4%, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có dấu hiệu hồi phục, xuất siêu tăng nhanh sau khi EVFTA đi vào hiệu lực…

Cùng với đó, những điểm yếu của nền kinh tế cũng đang từng bước được giải quyết. Cụ thể, theo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển mạnh, một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã được hình thành với thương hiệu và năng lực cạnh tranh tầm khu vực, quốc tế.

Năm 2020 cũng chứng kiến làn sóng FDI vào lĩnh vực năng lượng sạch, nổi bật nhất là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu của Singapore trị giá 4 tỷ USD, bên cạnh nhiều dự án cũng đang có kế hoạch triển khai trong tương lai tới với quy mô vốn cao. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp Việt Nam từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm thâm dụng vốn tự nhiên, giảm phát thải ra môi trường.

Nhận xét về tương lai dài hạn, ông Spinger tin rằng vào năm 2030, khi tiếp tục đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đứng trong top những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, để đạt được điều này, chính phủ Việt Nam cần tích cực cải cách nền kinh tế theo phương hướng đã đặt ra và duy trì đường lối hội nhập quốc tế sâu rộng.

2030 cũng là thời hạn của nhiều mục tiêu trong chiến lược phát triển của Việt Nam, như về cơ bản trở thành nước công nghiệp và có giá trị công nghiệp thuộc top 3 ASEAN, hoàn thành 17 mục tiêu đề ra theo Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục