Theo tập đoàn công nghiệp này, giá trị khối tài sản ở Việt Nam tăng cao này chủ yếu do tiến độ của dự án Tổ hợp Hoá dầu Miền Nam ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có vốn đầu tư hàng tỷ USD đang được xây dựng đúng tiến độ.
Cụ thể, dù bị ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nhưng theo nhà đầu tư lớn hàng đầu xứ chùa vàng này, dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam (LSP) đang trong quá trình xây dựng và hoàn thành 55% các hạng mục.
Trước đó, chủ đầu tư dự án lọc hóa dầu này dự kiến đưa dự án đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2023 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của Việt Nam với sản lượng khoảng 2,3 triệu tấn mỗi năm, và còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới bởi sự phát triển lớn mạnh của nền kinh tế trong nước.
Với vốn đầu tư đăng ký lên tới 5,4 tỷ USD, dự án LSP là tổ hợp hóa dầu tầm cỡ thế giới và hiện đây là một trong những dự án đầu tư ưu tiên hàng đầu của SCG.
Dự án này ban đầu có nhiều cổ đông góp vốn cũng như thay đổi đối tác nhiều lần trong thời gian qua, nhưng đến tháng 6/2018 đã trở thành dự án 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan, sau khi tập đoàn SCG đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong dự án LSP, tăng vốn sở hữu của SCG từ 71% lên 100%.
Nguồn vốn đầu tư nói trên là SCG đã rót vốn triển khai thực hiện đầu tư ở Việt Nam. Ngoài dự án hóa dầu, tại Việt Nam SCG còn có 20 công ty thành viên đang hoạt động kinh doanh với hàng ngàn nhân viên, mang đến nhiều dòng sản phẩm và dịch vụ cao cấp cho thị trường gồm ngành xi măng - vật liệu xây dựng, bao bì...
Như vậy, Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư chính trong khu vực ASEAN của doanh nghiệp Thái Lan này. Bởi lẽ, tổng giá trị tài sản của SCG tại các nước ASEAN (ngoại trừ Thái Lan) đạt hơn 8,63 tỷ USD, chiếm 38% tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn.
Trong chín tháng đầu năm 2020, SCG tại thị trường Việt Nam báo cáo doanh thu bán hàng đạt 19.724 tỷ đồng (tương đương 848 triệu USD), giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ ngành kinh doanh bao bì và xuất khẩu từ Thái Lan.
Với mục tiêu phát triển bền vững dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn, ngành bao bì của SCG đã giới thiệu đến thị trường trong nước sản phẩm tiêu dùng đầu tiên được sản xuất từ giấy tái chế - Nhà giấy tái chế Doozypack mang đến một sân chơi trong nhà lành mạnh và thú vị cho các bé từ 3 đến 8 tuổi. Sau khi sử dụng, sản phẩm có thể được thu gom và tái chế thành vật liệu để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng mới ở chu kỳ tiếp theo.
Đáng chú ý, Tập đoàn Prime - công ty thành viên của SCG đã nhận giải thưởng Doanh nghiệp Tiêu biểu Khu vực ASEAN năm 2020 được tổ chức bởi Hiệp hội Phát triển Hợp tác Kinh tế ASEAN, nhờ những nỗ lực phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và khu vực.
SCG lợi nhuận tăng 57% trong quý 3 nhờ thị trường hóa dầu phục hồi
Tập đoàn SCG công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý 3/2020 với lợi nhuận tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của thị trường hóa dầu toàn cầu, sự gia tăng tỷ lệ sản xuất của các sản phẩm giá trị gia tăng cao (High Value Added - HVA), mô hình kinh doanh vững mạnh của ngành bao bì, cũng như những nỗ lực chuyển mình của ngành xi măng - vật liệu xây dựng.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của SCG, cho biết kết quả hoạt động kinh doanh trước kiểm toán của quý 3/2020 cho thấy doanh số bán hàng của tập đoàn đạt 74.658 tỷ đồng (3,222 tỷ USD), tăng 5% so với quý trước. Trong khi đó, lợi nhuận quý đạt 9.741 triệu Baht, tăng 4% so với quý trước, nhờ sự hồi phục của ngành hóa dầu trước nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các nước khu vực Châu Á, bên cạnh việc cải thiện hiệu quả kinh doanh của mảng xi măng - vật liệu xây dựng (VLXD).
So sánh với kết quả năm trước, doanh thu bán hàng của tập đoàn giảm 9%, trong khi lợi nhuận quý tăng trưởng vượt bậc lên tới 57%, nhờ vào tình hình khả quan của ngành hóa dầu, hiệu quả kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ HVA, và những cải tiến trong ngành xi măng - VLXD.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2020, SCG ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 148.674 tỷ đồng (hơn 9,6 tỷ USD), giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, do giá hoá chất sụt giảm theo đà giảm của giá dầu thô. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt 19.254 tỷ đồng (828 triệu USD), tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào các đóng góp tăng trưởng từ ngành xi măng - VLXD và bao bì.
Tổng quan, SCG đã duy trì được tính linh hoạt và chủ động trong tất cả các hoạt động kinh doanh. Công nghệ được áp dụng để kết nối liền mạch toàn bộ chuỗi cung ứng của tập đoàn.
Sắp tới, SCG sẽ tiếp tục tập trung phát triển các sáng kiến HVA, các sản phẩm, dịch vụ và các giải pháp đầu cuối nhằm chuẩn bị đón đầu sự phục hồi của thị trường và hướng đến tăng trưởng dài hạn.
Link bài gốc