Đây là ý kiến được nhận định tại hội thảo Công bố báo cáo thường niên thị trường trái phiếu Việt Nam 2019 và Đối thoại các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, do Bộ Tài chính phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức ngày 9-11, tại TP HCM.
Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có tốc độ tăng trưởng nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn quan trọng, góp phần giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.
Đến cuối tháng 9- 2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 13% GDP năm 2019 (tăng 2,15% so với thời điểm cuối năm ngoái), vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu để mở rộng sản xuất kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Dù vậy, quá trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn một số vấn đề như quy mô của thị trường nhỏ, phát hành trái phiếu chưa trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp; thị trường thứ cấp chưa phát triển, thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp sau khi phát hành thấp…
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, cho biết từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính liên tục có những thông tin khuyến nghị, cảnh báo đối với tất cả đối tượng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh lĩnh vực này tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, đối với nhà đầu tư cá nhân, khi mua trái phiếu doanh nghiệp phải đánh giá tình hình tài chính, tính khả thi của dự án phát hành khi ra quyết định để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro khi nguy cơ doanh nghiệp có thể không trả được nợ gốc và lãi vay.
Thậm chí, một số nhà đầu tư cá nhân là người về hưu cũng dùng tiền nhàn rỗi để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lãi suất cao, dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân đổ vào phân khúc này tăng mạnh…Dù liên tục khuyến cáo nhưng nhà đầu tư riêng lẻ vẫn tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí một số quan ngại về việc nhà đầu tư chỉ thích trái phiếu lãi suất cao mà không quan tâm đến hiệu quả dự án, doanh nghiệp phát hành.
Do đó, cơ quan quản lý đã sửa đổi các quy định nhằm quản lý, giám sát thị trường không quá biến động, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Cụ thể, các quy định mới có hiệu lực từ 1-1-2021 chỉ cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp được tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ" - ông Nguyễn Hoàng Dương nói.
Ngoài ra, một hiện tượng đáng lưu ý trên thị trường trước khi Nghị định 81 có hiệu lực từ 1-9-2020 theo hướng siết điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Ông Nguyễn Hoàng Dương dẫn chứng, trước thời điểm 1-9, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng đột biến trong tháng 8 với khoảng 89.000 tỉ đồng, bằng 30% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2020.
Nhưng qua tháng 9 và thống kê sơ bộ đến tháng 10, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp cho biết các quy định mới theo hướng siết điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã gây khó khăn trong việc huy động vốn của doanh nghiệp qua kênh trái phiếu.
Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành, thành viên thị trường xây dựng Nghị định quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Chứng khoán, trong đó có nội dung quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Hiện dự thảo 2 nghị định này đang được trình Chính phủ ban hành, theo đó, sau khi Chính phủ ban hành sẽ tạo khung khổ pháp lý đồng bộ để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.
Link bài gốc