Theo Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, nhà đầu tư bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay, các doanh nghiệp có 2 hình thức trả cổ tức là bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Tuy nhiên, Hiệp hội nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính đề xuất chưa đánh thuế trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng.
Theo VAFI, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu và trả cổ phiếu thưởng cho nhà đầu tư không làm thay đổi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (tại thời điểm chia), không làm giảm lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, cũng không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần của từng cổ đông. VAFI cũng cho rằng, tất cả cổ đông không nhận một đồng tiền mặt nào như hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt.
Ở các hình thức này, theo hiệp hội, vốn điều lệ doanh nghiệp tăng lên chỉ từ việc chuyển lợi nhuận và phần vốn ở các quỹ, đồng thời số cổ phần của cổ đông tăng lên theo tỷ lệ chia.
"Trả cổ tức bằng cổ phiếu hay trả cổ phiếu thưởng còn giúp doanh nghiệp hạn chế trả bằng tiền mặt, là để dành nhiều khoản lợi nhuận được giữ lại để đầu tư mở rộng sản xuất. Và khi doanh nghiệp phát triển, doanh thu lợi nhuận tăng lên thì các loại thuế nộp cho nhà nước ngày càng gia tăng", VAFI nêu quan điểm.
Nhưng nếu có thuế đánh vào cổ tức cổ phần và cổ phiếu thưởng thì nhà đầu tư giảm bớt nhiệt tình với hình thức này vì sợ thua lỗ do giá cổ phiếu giảm và bị đánh thuế lớn. Và với tâm lý đó, VAFI cho rằng, các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải chia cổ tức tiền mặt nhiều hơn, hạn chế hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng.
"Như vậy với thị trường chứng khoán sẽ có hàng tỷ đô la được chia cho cổ đông thay vì được tái đầu tư để phát triển mở rộng sản xuất. Các doanh nghiệp phải vay nợ nhiều hơn, đầu tư mở rộng sản xuất sẽ bị hạn chế", văn bản của hiệp hội phân tích.
Cũng theo VAFI, đánh thuế vào hính thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng chính là việc cản trở cơ chế huy động vốn hàng năm và thường xuyên của các doanh nghiệp. Vì thế, hệ thống ngân hàng nội địa trong nước sẽ gặp khó khăn khi đang cần giữ lại nhiều lợi nhuận sau thuế để xử lý nợ xấu và các ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn với bài toán giảm lãi suất.