Ngày pháp luật

Từ 1/1/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoạt động theo cơ cấu tổ chức mới

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Theo quy định mới tại Nghị định 102/2022/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 25 đơn vị. Nghị định 102/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định 102/2022/NĐ-CP ngày 12/12/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước có 25 đơn vị, gồm:

1- Vụ Chính sách tiền tệ.

2- Vụ Quản lý ngoại hối.

3- Vụ Thanh toán.

4- Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

5- Vụ Dự báo, thống kê.

6- Vụ Hợp tác quốc tế.

7- Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính.

8- Vụ Kiểm toán nội bộ.

9- Vụ Pháp chế.

10. Vụ Tài chính - Kế toán.

11- Vụ Tổ chức cán bộ.

12- Vụ Truyền thông.

13- Văn phòng.

14- Cục Công nghệ thông tin.

15- Cục Phát hành và kho quỹ.

16- Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

17- Cục Quản trị.

18- Sở Giao dịch.

19- Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

20- Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

21- Viện Chiến lược ngân hàng.

22- Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.

23- Thời báo Ngân hàng.

24- Tạp chí Ngân hàng.

25- Học viện Ngân hàng.

Như vậy, so với Nghị định 16/2017/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước giảm 1 đơn vị.

Các đơn vị quy định từ (1) đến (20) nêu trên là đơn vị hành chính giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương; các đơn vị quy định từ  (21) đến (25) nêu trên là đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

Vụ Chính sách tiền tệ có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Hợp tác quốc tế có 5 phòng. Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Thanh toán, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ Dự báo, thống kê có 4 phòng. Vụ Pháp chế có 3 phòng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định hiện hành cho đến khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Quản lý ngoại hối và Sở giao dịch.

Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng được hoàn thành các nhiệm vụ đang thực hiện cho đến khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện xong việc sắp xếp tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản của Trường Bồi dường cán bộ ngân hàng.

Nghị định 102/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Nghị định này thay thế Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục