Trang Nikkei Asia, TikTok đang nổi lên như một trong những nền tảng thương mại điện tử nổi bật nhất Đông Nam Á, với doanh số bán hàng tăng gấp 7 lần trong một năm nhờ thu hút làn sóng người dùng trẻ tuổi, am hiểu công nghệ với tính năng mua sắm, giải trí.
Sự phát triển nhanh chóng của nền tảng xem video dạng ngắn, thuộc sở hữu của "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc ByteDance, có thể làm rung chuyển thị trường mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á với 670 triệu người, vốn từ lâu được thống trị bởi Shopee, Lazada và Tokopedia.
Tuy nhiên, TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng do lo ngại về các nội dung có hại. Ngoài ra, các chuyên gia cũng e dè trước việc TikTok có thể duy trì mức độ phổ biến trong bao lâu nếu vẫn tiếp tục duy trì ưu đãi khủng như hiện tại.
"Đổi đời" nhờ TikTok Shop
Đối với Regi Oktaviana - một chủ doanh nghiệp 29 tuổi ở Mojokerto, TikTok Shop đã thay đổi cuộc sống của cô. Doanh nghiệp của cô là một đơn vị bán túi, sử dụng khoảng 65 nhân viên. Tất cả mọi người thường xuyên giới thiệu và bán hàng trên TikTok Shop, từ sáng tới tối.
Oktaviana cho biết chỉ trong hơn một năm, doanh số hàng tháng của doanh nghiệp đã tăng gấp 4 lần với số lượng đơn đặt hàng đôi khi lên tới 5.000 đơn mỗi ngày. Doanh thu từ TikTok Shop chiếm 90% tổng doanh thu của doanh nghiệp. “TikTok Shop đã trở thành thứ không thể thiếu với chúng tôi”, Regi chia sẻ.
Đặt cược vào thị trường Đông Nam Á
Kể từ khi ra mắt vào năm 2021, TikTok đã làm mưa làm gió tại các thị trường Đông Nam Á khác như Malaysia, Việt Nam, Singapore và Philippines.
Sự phát triển nhanh chóng của TikTok Shop làm thay đổi thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á. Nhiều người dùng Đông Nam Á chia sẻ, họ như bị "thôi miên" khi ứng dụng cho phép họ xem nhiều video giới thiệu sản phẩm, và liên tục mua hàng mà không suy nghĩ quá nhiều.
Tính đến tháng 5/2023, TikTok có 135 triệu người dùng ở Đông Nam Á, theo công ty nghiên cứu thị trường Insider Intelligence.
Trong đó, Indonesia là quốc gia có số lượng người dùng TikTok lớn thứ 2 sau Mỹ, với khoảng 113 triệu người dùng. Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, trong đó những người ở độ tuổi thanh niên chiếm 52% dân số.
Theo công ty nghiên cứu We Are Social của Anh, người dùng Đông Nam Á thường dành trung bình khoảng 3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, nhiều hơn so với con số hai giờ mỗi ngày của những người dùng ở Mỹ và Trung Quốc.
TikTok Shop đã nhanh chóng tạo dựng được sức hút ở Đông Nam Á, nâng tổng giá trị hàng hóa ước tính (GMV) - tổng giá trị hàng hóa được bán thông qua nền tảng của nó - gấp 7 lần, từ 600 triệu USD vào năm 2021 lên 4,4 tỷ USD vào năm 2022, theo công ty tư vấn Momentum Works.
Vào tháng 7, TikTok tuyên bố rằng trong số 325 triệu người dùng hàng tháng ở khu vực Đông Nam Á, cứ 4 người thì có một người đã mua hàng qua TikTok Shop.
Shant Oknayan, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông của TikTok, cho biết: “TikTok sở hữu nội dung và tính thương mại mà không nền tảng nào khác có được”.
Trên toàn cầu, TikTok được cho là đặt mục tiêu tổng GMV từ mảng kinh doanh thương mại điện tử tăng gấp 4 lần trong năm nay.
Mặc dù nghe có vẻ ấn tượng, nhưng thực chất GMV hiện tại của TikTok Shop chỉ bằng một phần nhỏ so với Shopee và Lazada. Shopee đã thu được 73,5 tỷ USD GMV vào năm 2022 trong khi GMV của Lazada là 21 tỷ USD cho năm tài chính tính đến tháng 9/2021, theo số liệu công khai có sẵn.
Mối đe doạ lớn của Shopee, Lazada, Tokopedia
Mặc dù TikTok vẫn chưa thể chiếm vị trí dẫn đầu của những Shopee, Lazada hay Tokopedia, nhưng nền tảng này có thể là mối đe dọa cho các đối thủ vì đây là một trong những nền tảng phát triển nhanh nhất thế giới.
Ranjan Sharma, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông ở khu vực Đông Nam Á tại JPMorgan, cho biết những doanh nghiệp thương mại điện tử trong khu vực đang trải qua một năm với nhiều sự điều chỉnh.
Nhiều đơn vị đã buộc phải cắt giảm ưu đãi cho người tiêu dùng và người bán, dẫn đến việc nhiều khách hàng đã rút lui khỏi nền tảng của họ.
Bên cạnh đó, Shopee và Tokopedia cũng phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm lại sau các đợt sa thải nhân sự và cắt giảm chi phí gần đây, những biện pháp để nỗ lực có lãi trở lại.
"Ông lớn" Alibaba vào tháng trước đã chi 845 triệu USD cho Lazada khi thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.
Tại Indonesia, Rose All Day Cosmetics - một thương hiệu làm đẹp địa phương được chứng nhận Halal, đã chứng kiến doanh số bán hàng thông qua TikTok Shop tăng trưởng mạnh xấp xỉ với Shopee, kênh bán hàng trực tuyến lớn nhất của họ. “Chúng tôi nhận được lợi tức đầu tư cao hơn trên TikTok”, nhà đồng sáng lập Tiffany Danielle chia sẻ.