Ngày pháp luật

Nhằm thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử, TikTok sẽ đầu tư hàng tỷ USD cho Đông Nam Á

Linh Bùi

Vị CEO TikTok - Zi Chew từ chối tiết lộ con số cụ thể của khoản đầu tư. Song, ông cho biết khoản đầu tư sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.

Tại sự kiện TikTok Southeast Asia Impact Forum do nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok tổ chức tại Jakarta, ông Chou Zi Chew - CEO TikTok đã tiết lộ công ty này sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm tới.

Theo ông Chew, sau 6 năm phát triển tại Đông Nam Á, từ 100 nhân viên ban đầu, nền tảng này đã sở hữu đội ngũ lên tới 8.000 nhân sự làm việc trong khu vực. Song song với quá trình mở rộng này, TikTok hiện sở hữu 325 triệu người dùng ở Đông Nam Á hàng tháng. Người dùng bán nhiều loại sản phẩm công nghệ, thời trang và các hàng hóa khác trên nền tảng này.

"TikTok nhìn thấy cơ hội tăng trưởng tốt tại đây và quyết định sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Indonesia và khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm tới", CEO TikTok tuyên bố.

Vị CEO TikTok - Zi Chew từ chối tiết lộ con số cụ thể của khoản đầu tư vào Đông Nam Á.
Vị CEO TikTok - Zi Chew từ chối tiết lộ con số cụ thể của khoản đầu tư vào Đông Nam Á.

Vị CEO TikTok - Zi Chew từ chối tiết lộ con số cụ thể của khoản đầu tư. Song, ông Chew cho biết khoản đầu tư sẽ tập trung hỗ trợ cho các nhà bán hàng MSMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) tham gia nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.

TikTok đang đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần quy mô tổng doanh thu hàng hóa thương mại điện tử toàn cầu của TikTok Shop lên tới 20 tỷ USD. Động lực của mục tiêu này dựa trên sự tăng trưởng nhanh chóng ở Đông Nam Á.

Tại khu vực Đông Nam Á, TikTok hiện diện ở Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. TikTok đặt cược vào các thị trường tiềm năng như Indonesia, thông qua hoạt động bán hàng trên livestream của người có sức ảnh hưởng.

Ngoài ra, TikTok cũng đang nỗ lực mở rộng doanh số bán hàng ở Mỹ và châu Âu, dù những thị trường này chỉ chiếm một phần nhỏ trong mục tiêu 20 tỷ USD.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, GMV của 9 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu khu vực được định giá gần 100 tỷ USD vào năm 2022, tăng 14% so với cùng kỳ. 

Dẫn đầu là Shopee - đơn vị của Sea Ltd có trụ sở tại Singapore, chiếm 47,9 tỷ USD trong tổng số. Lazada đứng ở vị trí thứ hai với 20,1 tỷ USD, giảm từ 21 tỷ USD vào năm 2021.

Nhằm thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử, TikTok sẽ đầu tư hàng tỷ USD cho Đông Nam Á - Ảnh 1

TikTok đã tạo ra 4,4 tỷ USD giao dịch trên khắp Đông Nam Á vào năm 2022, tăng từ 600 triệu USD vào năm 2021, nhưng vẫn kém xa so với doanh số bán hàng hóa khu vực 48 tỷ USD đạt được của Shopee vào năm 2022, Momentum Works cho biết.

Tuy vậy, sẽ là một điểm tích cực nếu TikTok thành công trong việc phát triển thương mại điện tử thông qua phát trực tiếp, giúp họ có thể vượt qua đối thủ, lấn át mua sắm trực tuyến truyền thống bên ngoài châu Á.

Đáng chú ý, Indonesia là thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 52% tổng GMV của khu vực. Báo cáo chỉ ra, sự quay trở lại của hoạt động mua sắm ngoại tuyến sau khi các hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ đã dẫn đến doanh số bán hàng thương mại điện tử ở mức vừa phải, nhưng dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Chỉ riêng GMV trên TikTok Shop của Indonesia đã vượt 2,5 tỷ USD và vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong ba tháng đầu năm 2023, theo công ty nghiên cứu thương mại điện tử Cube Asia.

Tin Cùng Chuyên Mục