Theo Tintaynguyen, giá tiêu ngày 17/4 trong khoảng 66.000 - 71.500 đồng/kg, giảm mạnh từ 2.500 – 4.000 đồng/kg so cuối tuần trước.
Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa – Vũng Tàu là 71.500 đồng/kg, giảm 2.500 đồng/kg so với cuối tuần trước. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 69.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai giá tiêu ở mức thấp nhất là 66.000 đồng/kg, đây cũng là địa phương có giá tiêu giảm mạnh nhất với mức 4.000 đồng/kg.
Như vậy, sau khoảng thời gian vài tuần giá chững lại thì hiện những người đầu cơ vay tiền để trữ tiêu đã bắt đầu “nóng ruột” và xả hàng. Với dự đoán thị trường không khả quan như hiện nay có lẽ họ sẽ tiếp tục bán ra, đồng nghĩa với việc giá tiếp tục giảm.
Vụ thu hoạch hạt tiêu trong nước dự kiến kết thúc vào cuối tháng 4/2021. Với giá tiêu biến động mạnh như từ Tết Nguyên đán đến nay cho thấy thị trường hiện đang tiềm ẩn bất ổn, giá lên xuống khó dự đoán khiến bà con không khỏi lo lắng.
Về mặt hàng lúa gạo, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa trên địa bàn tỉnh trong tuần qua vẫn giảm nhẹ. Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.000 - 6.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Một số loại lúa chất lượng cao như OM từ 6.100 - 6.200 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg tùy loại. Một số loại lúa vẫn giữ ổn định như lúa Đài Thơm 8 từ 6.400 - 6.600 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.500 - 7.600 đồng/kg.
Trong khi đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang có xu hướng ổn định. Cụ thể, giá gạo thường dao động ở mức từ 10.500 - 11.500 đồng/kg, gạo Hương Lài 18.000 đồng/kg, gạo Nhật là 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, riêng gạo Jasmine từ 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 8/4, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 73% diện tích lúa Đông Xuân. Đối với diện tích còn lại, các tỉnh đang khẩn trương thu hoạch để xuống giống vụ Hè Thu.
Về cơ cấu giống, năm nay các địa phương có xu hướng ưu tiên sản xuất các giống lúa chất lượng cao, bố trí hợp lý các giống lúa dành cho chế biến và lúa nếp với việc đảm bảo các giống lúa thơm, lúa đặc sản (như giống ST25, RVT, Nàng Hoa 9, VD 20...) và các giống lúa chất lượng cao như: Đài Thơm 8, OM 5451, OM 6976, OM 7347, OM 4218, Jamine 85…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã đưa ra lịch thời vụ sản xuất lúa Hè Thu và khuyến cáo nông dân tuân thủ để đảm bảo sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn đầu vụ.
Ngành cũng khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường, như OM 5451, OM 18, OM 4900, Đài thơm 8, ST 24, ST 25, ST 20, ST 5… Các giống lúa chất lượng trung bình như IR 50404, ML 202, Siêu Hàm Trâu không vượt quá 20% diện tích sản xuất của tỉnh, để tránh tình trạng khó tìm thị trường tiêu thụ.
Theo Diễn đàn của người làm cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua tiếp tục có xu hướng tăng. Giá cà phê ngày 17/4 dao động ở mức 31.800 - 32.600 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá cà phê thấp nhất tại Lâm Đồng là 31.800 đồng. Tại các địa phương khác như: Gia Lai, Đắk Nông có giá là 32.500 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất là 32.600 đồng/kg.
Tại cảng TP HCM, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.435 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong phiên ngày 15/4 đã giảm xuống 485-495 USD/tấn so với mức 495-500 USD/tấn trong tuần trước. Giá gạo tuần này cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 10/12/2020.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này cũng giảm do đồng rupee suy yếu xuống mức thấp trong 9 tháng qua, trong lúc các nhà xuất khẩu lại lo ngại rằng các lô hàng sắp tới có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng xấu đi. Trong khi đó, giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng do chất lượng vụ lúa trong nước thấp hơn.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong ba tháng, giao dịch ở mức 388-392 USD/tấn so với mức 390-395 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho hay, nhu cầu xuất khẩu tương đối tốt, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng trong tuần tới nếu số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay.
Ấn Độ đã báo cáo kỷ lục 200.739 trường hợp mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Theo chủ các doanh nghiệp, việc các bang áp đặt biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/4, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2021 tại thị trường London giảm 9 USD/tấn xuống 1.380 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 trên sàn New York giảm 3,5 xu Mỹ/pound ở mức 131,2 xu Mỹ/pound. (1 pound = 0,453592kg).
Trong phiên cuối tuần, giá cà phê sụt giảm do sự điều chỉnh kỹ thuật rõ ràng trên cả hai sàn giao dịch ở Mỹ và Anh, khi New York đã có chuỗi tăng khá ấn tượng trong mấy ngày vừa qua, còn London tăng không tương ứng nên biên độ chênh lệch khá cao, đã đưa giá cà phê Arabica vào thế bất lợi.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) của Mỹ, lượng tồn kho giảm 1,92% trong tháng 3/2021, xuống ở mức 5.679.162 bao, điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ cà phê có phần nào khởi sắc trở lại ở khu vực Bắc Mỹ.