Tạm gác cà phê để... ăn tiêu
Một số nhà vườn tại các tỉnh Tây Nguyên cho biết, giá hồ tiêu đen dậy sóng từ tuần sau Tết đến nay, từ 50.000 đồng mỗi Kg có khi nhảy lên trên 80.000 để nay khá bình ổn quanh 75.000 đồng. Tây nguyên được cho là vùng trồng chủ lực hai mặt hàng nông sản hồ tiêu và cà phê của Việt Nam.
“Chỉ trong vòng vài tháng, giá hồ tiêu tăng trên 100%, tôi tranh thủ bán một phần lượng hồ tiêu vừa hái xong vì giá trị cao hơn, tiền thu nhiều hơn,” ông Trung, một nhà vườn có 1,5 héc ta trồng xen hai loại nông sản hồ tiêu và cà phê tại huyện Đak Song tỉnh Đak Nông cho biết. Theo kinh nghiệm của ông, trước đây, giá trị của hồ tiêu thường cao gấp ba lần cà phê, nhưng nay giá hai mặt hàng này đã gấp gần hai lần rưỡi là “mãn nguyện” lắm rồi.
Không những thế, rất nhiều chủ vựa thấy thị trường cà phê quá yên ắng, khó kiếm lợi nhuận, nhảy vào mua bán hồ tiêu nhờ giá lên xuống nhanh, có khi tăng cả chục phần trăm chỉ trong một buổi sáng, nên tạm thời gác “món” cà phê nhảy qua “ăn” tiêu.
Thị trường hồ tiêu vẫn còn nóng, giá mặt hàng này vẫn được các nhà thu mua đêm hôm canh đến cay mắt…chưa biết đến bao giờ mới dịu.
Vì sao thị trường cà phê lặng sóng?
Không thực sự như thế. Vì từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2021, giá sàn phái sinh robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu - tăng giảm rất dữ dội, có lúc lên đỉnh 1.484 USD/tấn nhưng có khi xuống đáy vực 1.330 USD/tấn.
Có ngày giá phái sinh sàn này dao động đến trên 70 USD/tấn như ngày 9/3/2021 giữa 1.404 và 1.330. Nhưng giá cà phê nội địa không nhúc nhích mấy. Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể cứ chạy qua chạy lại trong khu vực 32.500-33.500 đồng/Kg.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết rằng lượng hàng tồn kho của người mua/nhập khẩu đầy ứ vì kho hết chỗ chứa, hàng không xuất bán, ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng của họ, lấy tiền đâu để mua. Thật ra, nhiều nhà nhập khẩu rất muốn xuất đi nhưng lượng hàng được lên tàu rất hạn chế do giá cước vận tải còn quá cao, tăng gấp ba, bốn lần so với cách đây sáu tháng.
Có lẽ vì thế mà báo cáo Hiệp hội Cà phê hột Mỹ (GCA) cho biết tồn kho cà phê khả dụng và đạt chuẩn trên toàn vùng Bắc Mỹ đến cuối tháng 2/2021 xuống mức thấp nhất tính từ 5 năm rưỡi nay còn chừng 374,5 ngàn tấn.
Một chủ vựa cà phê tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng mới đây nói “làm cà phê mấy bữa rày thấy chán vì chẳng mấy ai mua, còn giá thì cứ nhì nhằng”. Mà đúng vậy thật. Giả sử như cả mấy trăm ngàn tấn trong các kho nội/ngoại quan được chuyển qua trong một thời gian ngắn (nếu tàu bè có điều kiện), thì chắc cơ hội giá sàn phái sinh robusta không được “tốt” như bây giờ.
Nhưng nếu hàng hóa của nhà nhập khẩu bị cột chân tại đây, thì nên chấp nhận chỗ trong kho đã không đủ, tiền chẳng có nữa mà mua vì hạn mức tín dụng có hạn. Thị trường làm sao yên ắng được!
Giá cà phê chịu nằm yên?
Câu trả lời là “không”! Vì sao? Thị trường cà phê đang vào giai đoạn kinh doanh theo thời tiết. Thị trường cà phê đang lo ngay ngáy cho hai nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới chiếm gần 50% sản lượng toàn cầu. Brazil chuẩn bị vào mùa lạnh. Việt Nam vào thời khô hạn.
Thói thường của người mua hàng trước là trời chưa rét đã nói rét đậm, người bán thì rét hại xảy ra sờ sờ đó vẫn cứ nói không sao. Nên trong giai đoạn tới đây, chỉ yếu tố thời tiết thôi, sẽ xuất hiện nhiều tin thật nhưng cũng lắm tin giả.
Cộng với lượng tiền dồi dào trên thị trường tài chính, khi một nhà đầu tư “tay ngang” không theo dõi kỹ một mặt hàng nào đó, cũng dám đổ tiền vào mua hay bán khống hàng giấy. Các sàn phái sinh bấy giờ tha hồ nhảy. Vì thế, giá cả sẽ có những đợt tăng giảm cực mạnh và thất thường, rất chóng vánh.
Tồn kho cà phê tại nhiều nước sản xuất trong tay người mua được cho là lớn. Cứ nghĩ xem, không lẽ họ cầu giá xuống? Ai còn cầm lượng hàng lớn trong tay cũng đều mong làm sao cho có hiện tượng thời tiết bất lợi cho mùa màng, dù đó chỉ là một bản tin “giật gân”. Nhưng đối với nhà vườn hay chủ vựa với số vốn khiêm nhường, khi nghe tin thời tiết, cần tỉnh táo để nhận định. “Tát được nước theo mưa” có lẽ là lời khuyên chân thành.
Thị trường hồ tiêu và cà phê thời điểm
Ngày 21/3/2021, tại một số nơi ở Tây Nguyên, giá tiêu đen chất lượng 500 gr/lít quanh mức 72 triệu đồng/tấn. Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể chừng 32,7 triệu đồng/tấn. Trên thị trường phái sinh robusta, đóng cửa phiên 19/3/2021 cơ sở giao dịch tháng 5/2021 chốt tại 1.380 sau khi cố vượt 1.420 USD/tần trong tuần trước nhưng không thành.
Link bài gốc