Ngày pháp luật

Thị trường nhà ở: Phân khúc hạng C sẽ tiếp tục dẫn dắt

Theo Phan Nam/VnEconomy

Dự kiến căn hộ hạng C sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường hiện tại và tương lai...

Thị trường nhà ở: Phân khúc hạng C sẽ tiếp tục dẫn dắt - Ảnh 1

 

Cơ cấu dân số vàng, những thay đổi liên tục về cấu trúc và triển vọng kinh tế khả quan đang là động lực phát triển của thị trường nhà ở tại Việt Nam. Đây là nhận định do Công ty tư vấn, quản lý bất động sản Savills đưa ra trong báo cáo mới nhất về thị trường nhà ở.

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 3 ASEAN, dù đô thị hóa nhanh nhưng tỷ lệ đô thị hóa lại thấp nhất khu vực, đạt 36%, nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm năng vượt lên trên các nước trong khu vực.

Số lượng giao dịch căn hộ tăng hàng năm

Là trung tâm kinh tế của Việt Nam, Tp.HCM và Hà Nội góp phần đáng kể vào tăng trưởng tài chính cũng như tình hình hoạt động của thị trường bất động sản cả nước. Hai thành phố này có lượng dân cư chiếm 17% tổng dân số quốc gia và tốc độ đô thị hóa cao nhất trong các nước ASEAN. Tốc độ tăng trưởng dân số mạnh tại các khu vực đô thị, đồng thời quy mô hộ gia đình giảm, số lượng người ra ở riêng ngày càng nhiều tạo ra nguồn cầu lớn cho các dự án nhà ở mới.

Theo thống kê của Công ty Savills Việt Nam, trong 5 năm qua, tại Tp.HCM, số lượng giao dịch tăng trung bình 44%/năm, cao nhất là năm 2018 với 49.000 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ cũng đạt mức cao nhất  (87%). Sự phát triển rõ nhất ở phân khúc nhà giá rẻ (tiêu chuẩn hạng C), đây là phân khúc chính của thị trường giai đoạn 2014 - 2018, chiếm 60% tổng số giao dịch.

Nguồn cung cũng như nguồn cầu của phân khúc này khá lớn, vì vậy dự kiến căn hộ hạng C sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường hiện tại và tương lai. Tại Hà Nội, trong năm 2018, số lượng giao dịch nhà ở tăng 20% so với 2017. Phân khúc trung cấp, tiêu chuẩn hạng B chiếm 61% tổng số lượng giao dịch.

Giai đoạn 2014 - 2018, phân khúc này chiếm 43-61% số lượng giao dịch, trong khi phân khúc hạng C chiếm 31% thị trường, tăng 6% theo năm. Hạng A cung cấp 8% do giá bán cao và nguồn cung mới hạn chế. Tình hình hoạt động của phân khúc cao cấp (hạng A) đã được cải thiện trong 3 năm gần đây, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước với mức định giá cạnh tranh và lợi suất cho thuê hấp dẫn.

Số lượng người giàu trong nước ngày càng tăng và phân khúc trung cấp đang phát triển là bằng chứng về tiềm năng của phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang. Đồng thời việc nới lỏng chính sách sở hữu bất động sản cho người nước ngoài cũng đã thu hút được  lượng người mua nhất định trên thị trường quốc tế.

Trong năm qua, thị trường bất động sản Hà Nội, Tp.HCM ghi nhận nguồn cầu lớn từ khách quốc tế. Một số lượng lớn các dự án nhà ở hạng A đã nhanh chóng đạt ngưỡng 30% định trước ở thời điểm mở bán.

Đa số người mua có nhu cầu ở thực

"Người mua nhà ở Tp.HCM và Hà Nội có hồ sơ khá tương đồng. Người ở/người sử dụng thực có xu hướng chiếm đa số trong phân khúc hạng C. Trong khi đó hạng B thu hút các khách hàng có nhu cầu nâng cấp nhà ở và các nhà đầu tư mua để cho thuê. Phần lớn người mua căn hộ hạng A là nhà đầu tư dài hạn. Tỷ lệ người mua nhà có nhu cầu sử dụng thật cao phản ánh sự phát triển lành mạnh của thị trường", Savills nhận định.

Cũng theo Savills, giá bán nhà ở tại các thành phố lớn đang có xu hướng tăng. Năm 2018, giá bán trung bình ở Tp.HCM là 1.600 USD/m2, tăng trung bình 10%/năm trong 5 năm qua do giá tăng trên tất cả các phân khúc. Hạng A ghi nhận mức tăng giá cao nhất nhờ nguồn cung mới đạt những tiêu chuẩn dự án cao hơn.

Hạng B và C cũng ghi nhận mức tăng giá nhưng với tốc độ chậm hơn. Giá bán trung bình tại Hà Nội năm 2018 ở mức 1.300 USD/m2, tăng nhẹ (1%) so với 2017; hạng A cũng ghi nhận mức tăng giá cao nhất.

Do nguồn cung hạng B dồi dào, các chủ đầu tư đã đưa ra những mức giá cạnh tranh để duy trì doanh thu. Số lượng giao dịch hạng C tăng nhờ nhu cầu nhà giá rẻ tăng, các chủ đầu tư cũng đưa ra các điều khoản thanh toán, chương trình chiết khấu và khuyến mãi linh hoạt hơn để thu hút khách hàng.

Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua nhiều chính sách tiền tệ. Bởi vậy, nguồn vốn mua nhà chủ yếu đến từ vốn chủ sở hữu bởi lãi suất cho vay tương đối cao và việc vay thế chấp nhà chỉ đáp ứng khả năng chi trả của một bộ phận nhỏ người mua.

Trong tương lai, triển vọng kinh tế khả quan, mức vốn FDI cao và các chính sách tiền tệ phù hợp tạo cơ sở để tin rằng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển. Nguồn cung dự kiến sẽ tăng ở các thành phố chính để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến năm 2020, phần lớn nguồn cung ở Tp.HCM sẽ rơi vào phân khúc hạng C; còn hạng B dự kiến sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường Hà Nội.

Tin Cùng Chuyên Mục