Mới đây, Nghị quyết 31/NQ-CP vừa được ban hành với nội dung yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải tính toán để khơi thông vốn tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay đã trở thành những tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản đang trầm lắng.
Cụ thể vào ngày 16/2, ngân hàng Agribank thông báo lãi suất cho vay có thể được điều chỉnh giảm tối đa 3%/năm so với mức đang áp dụng. VietinBank cũng công bố dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023…
Bên cạnh đó, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng cũng đã giảm dần, dự báo một đợt giảm lãi vay đang tới. Đơn cử như nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm 0,2% ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 9 tháng của Big 4 ở mức 5,8%/năm, 12 tháng ở mức 7,4%/năm, từ 24 tháng trở lên xuống còn 7,2%/năm…
Một số ngân hàng cổ phần cũng công bố giảm lãi huy động từ đầu ngày 6/3 với tốc độ giảm mạnh hơn. Tuy nhiên, ở kỳ hạn 6 tháng lại có sự phân hóa lãi suất rõ rệt giữa các ngân hàng. Ví dụ như VPBank giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,2 - 0,6%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, cụ thể đối với LS từ 6 - 12 tháng dao động từ 8,2 - 8,6%/năm. Mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 8,8%/năm với số tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên.
Cũng với kỳ hạn 6 tháng, Sacombank huy động lãi suất còn 7,5%/năm, 12 tháng còn 7,9%/năm và mức cao nhất là 8,4%/năm thuộc kỳ hạn 36 tháng. Ngân hàng Bản Việt huy động hạn 6 tháng với lãi suất 8,1%/năm, 9 tháng còn 8,5%/năm, 12 tháng còn 8,9%/năm và mức cao nhất 9,5%/năm ở kỳ hạn 24 tháng.
Việc ngày càng có nhiều ngân hàng công bố hạ lãi suất đang là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản đang thiếu thanh khoản. Cùng với đó, dòng tiền kiều hối dồi dào từ từ thời điểm trước Tết được chuyển vào trong nướ cũng tăng 5% và có khoảng 25% trong số đó đã đổ vào “cứu nguy” cho thị trường bất động sản.
Lãi suất giảm, dòng vốn khơi thông giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận được với các đòn bẩy tài chính, nhờ vào đó thanh khoản cũng bắt đầu trở lại trong thời gian gần đây. Nguyên nhân được chỉ ra là trong thời gian vừa qua có được là nhờ một lượng lớn người có nhu cầu thực sự tiếp cận được dòng tiền nhờ vào việc tháo gỡ chính sách tín dụng thời gian qua.
Tuy nhiên, việc đảo chiều của thị trường sẽ không quá nhanh và rõ ràng bởi nhiều nhà đầu tư đã trải qua một giai đoạn khó khăn, tâm lý dè dặt sẽ khiến nhiều người không muốn xuống tiền. Còn với những người mua do có nhu cầu thực sự, họ cũng thận trọng hơn bởi cá tiêu chuẩn đặt ra đối với từng dự án.
Theo các chuyên gia, thị trường sẽ dần sôi động, đặc biệt là tại các khu vực tập trung nhiều dự án trọng điểm như phía đông của TP HCM. Đây được coi là điểm liên kết TP HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu với hàng loạt các dự án lớn. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được mở rộng như cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây mở rộng lên 8 làn xe, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu – Dầu Giây – Phan Thiết và tới đây là tuyến Vành đại 3. Các dự án trong tương lai như cầu Vàn Cái Sứt, dự án Hương Lộ 2 giai đoạn 1 cũng sẽ là bệ phóng cho thị trường bất động sản tại khu vực này.
Sức hấp dẫn của khu Đông còn liên tục gia tăng bởi sự tập trung hạ tầng xã hội, đáp ứng các nhu cầu về giáo dục, y tế, văn hóa của người dân. Trong đó, điểm nhấn là mạng lưới các cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học với mật độ tập trung cao nhất thành phố, điển hình là Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Nông lâm, Đại học Văn hoá, Đại học Việt Đức, Đại học Fulbright…