Nhiều tín hiệu tích cực
Báo cáo thị trường BĐS nhà ở TP HCM và vùng phụ cận quý II/2023 của Tập đoàn Dịch vụ BĐS DKRA (DKRA Group) vừa công bố cho thấy đã có những chuyển biến tích cực về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc. Theo đó, phân khúc đất nền trong quý II tại thị trường TP HCM và vùng phụ cận ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 867 nền, tăng 2,3 lần so với quý trước. Tỉ lệ tiêu thụ đạt 44%, tương đương 378 nền, tăng gấp 4,8 lần so với quý I/2023.
Thị trường căn hộ chào đón 15 dự án mở bán, với nguồn cung mới khoảng 1.826 căn, tập trung chủ yếu tại TP HCM và Bình Dương. Nguồn cung mới tăng 33% so với quý trước nhưng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Tỉ lệ tiêu thụ đạt khoảng 65% nguồn cung mới, tương đương 1.179 căn.
Với những diễn biến thị trường và dữ liệu thu thập được, DKRA Group cho hay nguồn cung phân khúc đất nền trong quý III/2023 sẽ tiếp tục khởi sắc, dao động ở mức 750 - 900 nền, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Sức cầu chung toàn thị trường dự kiến tăng nhẹ nhưng khó có đột biến và giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý. "Những động thái tháo gỡ vướng mắc từ nhà nước về chính sách pháp lý, giảm lãi suất cũng như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công... kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho thị trường BĐS trong trung và dài hạn" - báo cáo của DKRA Group nêu rõ.
Cùng với đó, báo cáo tâm lý người tiêu dùng BĐS về các xu hướng nửa cuối năm 2023 của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy 61% người tham gia khảo sát có dự định mua BĐS trong một năm tới. Trong số đó, 59% có nhu cầu mua để đầu tư và đất nền được người mua tiềm năng hướng đến nhiều nhất (40%), sau đó mới đến chung cư (28%) và nhà riêng (21%). Điều đó cho thấy mặc dù thị trường BĐS chưa khởi sắc nhưng người dân và các nhà đầu tư vẫn luôn có nhu cầu mua BĐS trong tương lai gần, không hề lo sợ hay quay lưng như các kênh đầu tư khác.
TS Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đất Xanh (DXS-FERI), dẫn kết quả khảo sát của DXS-FERI cho thấy niềm tin thị trường sẽ dần quay trở lại từ cuối năm 2023, đầu năm 2024 khi các chính sách của Chính phủ phát huy tác dụng và trở thành động lực thị trường khởi sắc.
Cụ thể, Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp và kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm thêm sẽ tạo đà để lãi suất cho vay giảm mạnh từ cuối năm 2023, đầu năm 2024. Bên cạnh đó, Chính phủ có động thái quyết liệt tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án BĐS, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài...
Đặc biệt là Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23-3-2023 của Thủ tướng về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và việc hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công… sẽ tạo đà cho thị trường BĐS và các ngành khác phục hồi và đảo chiều tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Doanh nghiệp tích cực huy động vốn, tái cơ cấu chuẩn bị cho cuộc chơi mới
Đánh giá về triển vọng phục hồi của thị trường BĐS thời gian tới, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng những khó khăn vừa qua đã để lại bài học đắt giá cho nhiều DN, cho thị trường và cả cơ quan quản lý. Thời gian tới để thị trường phát triển bền vững hơn, nhà nước cần đẩy mạnh công tác giám sát, quản lý.
"Thị trường sẽ vận hành bình thường khi các bên làm đúng và đủ vai trò của mình. Cơ quan nhà nước cứ theo luật mà làm, nếu vướng cần sửa ngay và sớm tháo gỡ chứ không nên để tắc nghẽn kéo dài như vừa qua. Các doanh nghiệp đã sai cũng phải chấp nhận "thương đau" để lành mạnh thị trường", ông Lâm nêu quan điểm.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Phạm Lâm, một trong những giải pháp lành mạnh cho thị trường là cần có sự tham gia của các nhà môi giới uy tín để giám sát các sản phẩm do chủ đầu tư bán ra. Họ là người cung cấp thông tin cho người mua bởi không phải nhà đầu tư, khách hàng nào cũng có đủ kiến thức, thông tin, kinh nghiệm trong đầu tư BĐS... Đặc biệt, để thị trường phát triển minh bạch, công bằng và bền vững, theo ông Phạm Lâm, nên có chính sách hỗ trợ cho DN một cách hợp lý, tránh sự can thiệp quá mức từ các cơ quan quản lý.
Dưới góc độ doanh , ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group), doanh nghiệp đã nhìn thấy tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS. Tín hiệu này đến từ các chính sách tài khóa và tiền tệ được Chính phủ thực hiện thời gian qua, giải ngân cho các dự án đầu tư công được đẩy mạnh giúp lượng tiền cung ra nền kinh tế dồi dào, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, đầu tư khởi sắc. Ngoài ra, chứng khoán tăng trưởng cũng được kỳ vọng sẽ kéo thị trường BĐS phục hồi theo.
Theo ông Phúc, việc Chính phủ, bộ, ngành và đặc biệt là lãnh đạo TP HCM thời gian qua đã tập trung nguồn lực lớn cho việc tháo gỡ khó khăn chính sách, tạo được niềm tin cho DN, trong đó có ngành BĐS. Đặc biệt sự chuyển biến trong cấp phép, tháo gỡ thủ tục cho DN, dự án là cơ sở để nguồn cung cho thị trường gia tăng trong 1 năm tới.Bản thân các DN BĐS cũng đã rất nỗ lực cơ cấu hoạt động, cơ cấu nợ trái phiếu, chuyển đổi, gia hạn trái phiếu theo Nghị định số 08 cũng như lên kế hoạch tiếp tục triển khai các dự án trong quý III/2023, đi kèm các chính sách bán hàng đột phá nhằm gia tăng thanh khoản cho thị trường…
Đại diện Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt đánh giá, đến thời điểm này, khó khăn của DN đã đi qua, công ty đang tiếp tục huy động vốn để tái cơ cấu và phát triển các dự án.
Tương tự, tại đại hội cổ đông của Tập đoàn Novaland, Chủ tịch HĐQT tập đoàn - ông Bùi Thành Nhơn - khẳng định giai đoạn khó khăn nhất đã qua và hoạt động kinh doanh của Novaland sẽ phục hồi trong quý III/2023. Theo ông Nhơn, kế hoạch sắp tới của Novaland là tiếp tục phát triển xây dựng dự án, sắp xếp lại ưu tiên cho những công trình sắp hoàn thiện để tiếp tục bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Ngoài ra, tập đoàn đang tiếp tục rà soát các quỹ đất, thoái vốn các quỹ đất chưa được ưu tiên phát triển để giảm nợ và thương lượng, đàm phán thu xếp vốn cổ đông cho các dự án sẽ phát triển trong thời gian tới.