8 tháng đầu năm, 620 doanh nghiệp bất động sản ngừng kinh doanh, chiếm 1,8% trong tổng số các doanh nghiệp ngừng hoạt động trên cả nước. Khảo sát doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố báo cáo tài chính quý II cũng cho thấy lợi nhuận của nhóm bất động sản giảm 80%. Dù vậy, nhiều nhận định gần đây cho rằng, bất động sản chỉ đang chậm một nhịp vì Covid-19 chứ thị trường không bị khủng hoảng.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC nhận xét, Covid-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến bất động sản khi ít doanh nghiệp kêu khó. Theo ông, nếu đầu tư bài bản, quy mô lớn thì khủng hoảng từ 3 tháng đến 1 năm không đáng ngại.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản không gặp khủng hoảng dù qua hai đơt dịch. Ngành này chỉ đang chậm lại vì những tác động mang tính ngắn hạn còn lực cầu nội tại của thị trường rất lớn.
Nói với VnExpress, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định sự sụt giảm của thị trường không phải khi dịch bệnh bùng phát mới có. Đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm những vấn đề nội tại. Năm 2018-2019, vì các vướng mắc về thể chế, pháp luật, thị trường đã gặp khó khăn.
Tháng 6, Quốc hội thông qua một số luật như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường... kỳ vọng tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn cho nhóm ngành này. Tuy nhiên, theo ông Châu, các luật này có hiệu lực vào đầu năm sau nên thị trường vẫn trong giai đoạn chờ đợi.
Môi giới là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch, tiếp theo là các doanh nghiệp nhỏ, vừa, mới thành lập hoạt động về cho thuê nhà phố, shophouse... Với các doanh nghiệp "gạo cội", ông Châu cho rằng không tránh khỏi khó khăn nhưng vẫn trụ vững.
Theo ông Lê Hoàng Châu, bất động sản có khả năng tự phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi đại dịch kết thúc, trên cơ sở khắc phục được những điểm nghẽn về thể chế, pháp luật. Đại diện của HoREA kỳ vọng thời điểm các luật có hiệu lực cũng là lúc Covid-19 qua đỉnh, là điểm khởi sắc cho thị trường.
Báo cáo mới nhất của CBRE về triển vọng thị trường bất động sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự báo hầu hết các mảng thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021. Việt Nam, bên cạnh New Zealand, Trung Quốc, Đài Loan, là các quốc gia, vùng lãnh thổ dẫn đầu quá trình này.
Trong đó, thị trường công nghiệp và kho vận sẽ phục hồi sớm nhất. Các mảng thị trường như cho thuê mặt bằng, khách sạn, bán lẻ... sẽ mất nhiều thời gian hơn để thích nghi với xu hướng phát triển mới.
Bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, cho biết lãi suất sẽ được giữ ở mức thấp nhất nhằm giúp kích cầu cho thị trường trong bối cảnh chênh lệch giữa tỷ suất đầu tư vào bất động sản và trái phiếu chính phủ ngày càng lớn.
"Các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm vào bất động sản thương mại mặc cho lệnh hạn chế di chuyển. Họ cũng đang tiếp cận các cơ hội đầu tư khác như các khoản nợ, tài sản có doanh thu ổn định và đất phát triển công nghiệp và kho vận", bà nói.