Ngày pháp luật

Nhà ở xã hội: Có nơi muốn mua không được, có chỗ muốn 'đẩy' vì... ế

Theo Tuổi trẻ

Nghịch lý nhà ở xã hội: người mua có đủ điều kiện vẫn không thể mua, trong khi có những khu nhà rao bán hàng chục đợt vẫn chưa bán hết…

Tôi ở nhà thuê tại Hà Nội hơn 10 năm nay, có con nhỏ, rất cần nhà ở ổn định. Dành dụm, vay mượn gom góp được 700 triệu đồng, có thể mua một căn hộ nhà ở xã hội nhưng mãi chưa mua được.

Nhà xa thăm thẳm

Được giới thiệu dự án Bamboo Garden ở huyện Quốc Oai, cách chùa Thầy chỉ vài trăm mét, tôi chạy xe máy đi xem căn hộ ước mơ. Từ quận Cầu Giấy về đến dự án này, dù không phải giờ tan tầm, không tắc đường nhưng cũng gần 1 giờ đồng hồ mới đến.

Bước vào cổng chào khu đô thị có nhà ở xã hội đã thấy hai cái hồ rộng lớn. Phía trước dự án này lúa đang chuẩn bị trổ bông, cây cối xanh ngắt, khung cảnh thanh bình, không bụi bặm khói xe. Tòa chung cư nằm trong một khu đô thị rộng lớn này có nhiều căn biệt thự sang trọng.

Nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) khang trang, không gian đẹp nhưng bán chậm vì quá xa trung tâm - Ảnh: Văn Hùng
Nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) khang trang, không gian đẹp nhưng bán chậm vì quá xa trung tâm - Ảnh: Văn Hùng

Với tôi, chất lượng công trình ở dự án này khá ổn và giá bán chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2. Nhưng hai vợ chồng đều làm việc ở trung tâm thành phố, mỗi ngày phải đi lại hàng chục cây số, hôm trời mưa, đi vào giờ cao điểm lúc nào mới về tới nhà?! Chúng tôi đành từ giã ước muốn mua căn hộ mình rất ưng ý.

Hai vợ chồng bạn tôi cùng làm việc ở quận Bắc Từ Liêm nhưng vẫn còn do dự sau khi đi tham quan một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn quận này. Ngày anh đến xem trực tiếp dự án đang triển khai giai đoạn cuối, hoàn thiện khu vui chơi là có thể bàn giao cho khách.

Nhưng chỉ sau một trận mưa, sân chung cư thành vũng nước lớn đục ngầu. Dù khu nhà khang trang, hợp túi tiền, nhưng nếu hệ thống chống ngập không tốt, sống chung với ngập úng thì quá khổ! Chưa kể tường nhà xuất hiện tình trạng thấm nước khi có mưa lớn.

Và thiếu tiện ích

Tôi lại đi xem dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long cũng đang bán căn hộ. Chỗ này rất gần trung tâm, ngay trên đường trục chính quốc lộ 32, thuộc huyện Hoài Đức, chỉ cách Đại học Công nghiệp Hà Nội khoảng 5-7 phút đi xe máy.

Một ngày cuối tuần đẹp trời đi xem nhà, tôi hết sức bất ngờ: khoảng 400 hộ đã về đây ở từ hơn 1 năm nay rồi nhưng chủ đầu tư đang phải thuê máy múc đưa "núi đất" cạnh tòa nhà chung cư ra ngoài do trước đó nhà thầu tố chủ đầu tư không chịu thanh toán công nợ nên phải đổ đất để "gây áp lực".

Đi vào bên trong tầng hầm, lối lên tầng hầm để xe rất nhỏ, mới xây dựng đã xuống cấp, khu trung tâm thương mại vẫn chưa mở cửa. Nhiều hạng mục đã thấy cũ, thiếu không gian xanh. Dự án rất gần trung tâm nhưng chúng tôi không dám đặt tiền dù được nhiều người mời chào rất nhiệt tình.

Chúng tôi lại đi xem nhiều khu nhà ở xã hội gần trung tâm khác ở quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm, huyện Thanh Trì, Đông Anh nhưng lại thiếu đi tiện ích hoặc có nhiều điều chưa ổn.

Nhà ở xã hội dù giá thấp nhưng người mua cũng mong thấy tối thiểu phải có cửa hàng nhu yếu phẩm và bán hàng ăn, đồ uống, mong thấy căn hộ "đáng đồng tiền bát gạo", công trình đầu tư đồng bộ, bàn giao nhà, sổ hồng đúng thời hạn đã cam kết. Khu nhà có thể xa một chút nhưng xa đến mức khó có thể đi về hằng ngày thì sẽ khó mua và khó bán.

Trong những ngày đi tìm nhà để mua, chúng tôi được biết có nhiều dự án chào bán hàng chục đợt vẫn vắng khách. Và éo le cho chúng tôi, chuẩn bị sẵn một khoản tiền, gia đình thuộc diện được hưởng ưu đãi nếu mua nhà ở xã hội, nhưng thú thật rất khó để đi đến quyết định mua.

Có dự án phải mở bán lần thứ 21

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, đến tháng 6-2020, khu nhà nhà ở xã hội tại ô đất CC-1, khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai đã chào bán và cho thuê đợt thứ 21.

Từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8, dự án của Công ty cổ phần Vinaconex 21 ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông cũng đã mở bán đợt 10 và dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long của Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long cũng đã mở bán nhà lần thứ 14.

Q.Thế

Phải vì sự thuận lợi của cư dân

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hà Nội rất chú trọng nhà ở xã hội nhưng có một nghịch lý: nhiều khu vực không đủ cung cấp, trong khi đó có một số khu vực còn muốn phá đi để làm nhà ở thương mại.

Để nhà ở xã hội không bị "ế", trước hết xây nhà phải gắn liền các điều kiện hạ tầng, kinh tế, xã hội. Có nhiều khu nhà ở xã hội dành cho sinh viên trở nên hoang vắng, mặc dù sinh viên rất cần chỗ ở nhưng xe cộ đi lại khó khăn cũng khó đến ở.

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) nhiều nhà ở xã hội vẫn để trống, quận Hà Đông rất nhiều khu nhà ở nhưng khu công nghiệp di dời đi thì cũng không còn người ở nữa.

nhà ở xã hội hiện được rao bán trên mạng, mua trả góp vẫn khó bán. Rất nhiều cuộc hội thảo đặt vấn đề thuê (hoặc thuê mua) nhà ở xã hội, doanh nghiệp cho thuê với mức giá nhà nước quản lý hoặc cho thuê xong sau bao nhiêu năm trả dần với giá rẻ nhưng doanh nghiệp không mặn mà vì ngại chậm thu hồi vốn, không đảm bảo lợi ích của họ.

Cả nước nói chung và riêng TP Hà Nội cũng đã quy định phải dành 20% diện tích sàn nhà trong các khu đô thị mới làm nhà ở xã hội nhưng đa phần các dự án này vẫn đơn lẻ ở các khu "nghèo"! Các công trình này cần gắn liền với trường học, nhà trẻ, cửa hàng buôn bán... Xây nhà ở xã hội, nhu cầu tiện ích của cư dân cần được đặt lên hàng đầu.

Quang Thế

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục