Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo về thực trạng, tình hình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị. Theo hiệp hội, ở các nước, hình thức phổ biến nhất là loại nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội bán trả góp dài hạn 20-30 năm, nhưng không có loại nhà ở xã hội bán thu tiền ngay như Việt Nam. Loại nhà ở xã hội bán thu tiền ngay thì các nước coi đó là loại nhà ở thương mại giá thấp (low-cost housing).
Ví dụ Hàn Quốc có 5 loại hình "căn hộ công" cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, tỷ lệ đặt tiền thế chân khác nhau, thời gian thuê khác nhau (50 năm; 30 năm; 20 năm; 5-10 năm). Singapore đã thực hiện thành công chính sách nhà ở xã hội thông qua Ủy ban phát triển nhà ở (HDB), theo hình thức thuê hoặc mua trả góp dài hạn nhà ở xã hội (từ 1-5 phòng ngủ) trong các khu nhà cao tầng có đầy đủ các tiện ích và dịch vụ, thân thiện môi trường. Và hiện nay, đã có đến 90% dân số Singapore sống trong các dự án nhà ở xã hội và chủ sở hữu có quyền bán lại nhà, tương tự chính sách nhà ở xã hội của Việt Nam.
Cơ quan này cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước công nghiệp phát triển, điển hình là Singapore, Hàn Quốc, Pháp... đều có chính sách nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong đó, cơ quan quản lý các nước thường đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính dài hạn cho người mua nhà.
Hiệp hội chỉ ra hàng chục bất cập trong chính sách phát triển nhà ở xã hội như chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá thấp, bất cập sử dụng quỹ đất công để làm nhà ở xã hội, bất cập trong thực hiện quy định thời hạn thuê mua nhà ở xã hội…
Đề xuất 20 giải pháp nhằm phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, về bố trí nguồn vốn từ ngân sách, Hiệp hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung "Danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội" vào Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ tùy theo điều kiện ngân sách nhà nước hàng năm, nếu có thể được, thì bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm hỗ trợ tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Hiệp hội cũng đề xuất về điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội và ãi suất tiết kiệm nhà ở xã hội. Theo đó, tổ chức này đề nghị người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội có thể chọn gửi tiết kiệm hàng tháng (tối thiểu đủ 12 tháng gửi tiết kiệm) hoặc chọn gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ ngày ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Sau này, số lượng người đăng ký mua nhà ở xã hội nhiều hơn phải xếp hàng chờ đợi giải quyết, thì người muốn mua nhà ở xã hội phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội trước, rồi mới được xét duyệt mua nhà sau.
Về mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng, có thể ở mức không quá 1 triệu đồng/tháng, để dễ thực hiện và phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập thấp đô thị.
HoREA kiến nghị về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Chính phủ thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị.
Về thời hạn cho vay ưu đãi để thuê mua nhà ở xã hội và ân hạn trả nợ, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước thống nhất quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay là 15 năm và tổ chức này đề xuất quy định thời hạn 20 năm cho giai đoạn 2021-2025.
Hiệp hội cũng kiến nghị một loạt ưu đãi về thuế, thủ tục đầu tư, lợi nhuận định mức... cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.