Ngày pháp luật

Tập tục kì lạ khắp năm châu: Đàn ông phải nhảy "lao đầu xuống đất" từ độ cao 30m mới được chấp nhận đủ tuổi để lấy vợ

Thành Trung

Những cậu bé của quốc đảo Vanuatu muốn trở thành là một người đàn ông, thì chúng phải nhảy "lao đầu xuống đất" từ một tòa tháp cao 30m mà không có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào ngoài hai dây leo buộc quanh cổ chân. Nếu cú nhảy thành công, người nhảy sẽ xuống đủ gần để chạm đầu vào đất, lúc đó bộ tộc sẽ công nhận đó là người đàn ông trưởng thành.

Vanuatu là quốc đảo nằm ngoài khơi Thái Bình Dương, cách phía đông Australia 1.750 km. Nơi đây được biết đến với tập tục mạo hiểm thách thức cả tử thần. Đó là tập tục "lao đầu xuống đất" được gọi với cái tên Nagol. Những người dân bản địa thường tổ chức hoạt động này vào tháng 4, tháng 5 hàng năm.

Tập tục Nagol được đánh giá là một trong những trò mạo hiểm nhất thế giới.
Tập tục Nagol được đánh giá là một trong những trò mạo hiểm nhất thế giới.

Tập tục kì lạ này gắn bó với một huyền thoại bất hạnh trong hôn nhân của một cặp đôi. Ngày xưa ở vùng đất Vanuatu có một người phụ nữ đã bỏ trốn vào rừng để thoát khỏi việc chạm trán hàng ngày với chồng. Khi thấy người chồng đuổi theo, cô đã trèo lên một cái cây và sau đó buộc dây leo vào hai cổ chân mình rồi nhảy từ trên cao xuống một cách an toàn nhằm tiếp tục chạy trốn. Người chồng cũng làm tương tự vợ nhưng không có sự trợ giúp của những sợi dây leo, anh lao xuống đất và chết thảm.

Hàng trăm năm nay dân làng vẫn thực hiện nghi lễ này bất chấp nguy hiểm. Tập tục "thách thức tử thần" này được xem như một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành của thanh niên Vanuatu từ một cậu bé trở thành một chàng trai chân chính, trong đó sự dũng cảm và khéo léo là những phẩm chất được đánh giá cao nhất.

Tập tục kì lạ khắp năm châu: Đàn ông phải nhảy "lao đầu xuống đất" từ độ cao 30m mới được chấp nhận đủ tuổi để lấy vợ - Ảnh 1

Điều đặc biệt của tập tục nguy hiểm này là phải nhảy từ độ cao nhất xuống sát mặt đất nhất có thể mà không có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào ngoài hai dây leo buộc quanh cổ chân.

Đây cũng được xem là một nghi lễ cầu mùa được thực hiện với niềm tin là người nhảy càng cao thì cây cối sẽ sinh trưởng càng tươi tốt, vụ mùa năm sau càng bội thu. Chỉ có những chàng trai dám chiến đấu và vượt qua thử thách, không sợ hi sinh thân mình cho bộ tộc, dân làng thì mới xứng đáng là những chiến binh của Vanuatu.

Trước khi tập tục được diễn ra, người Vanuatu sẽ dọn quang cây và đá trên một quả đồi đã được chọn kĩ lưỡng. Sau đó, họ dùng các thanh gỗ và gậy mây dựng thành một giàn giáo cao khoảng 30m. Tháp cũng được chia thành các mức độ cao thấp khác nhau cho từng người nhảy. Mức thấp nhất là dành cho trẻ em từ 5 tuổi.

30 người đàn ông trong làng sẽ phải làm việc trong suốt một tháng trời để xây ngọn tháp này. Trông từ xa ngọn tháp gỗ như một giàn giáo xù xì thô sơ nhưng thực tế việc xây tháp có sự tính toán khoa học và tỉ mỉ để bảo đảm sự an toàn cho người nhảy. 

Khoảng 30 người đàn ông xây dựng tháp gỗ trong vòng một tháng.
Khoảng 30 người đàn ông xây dựng tháp gỗ trong vòng một tháng.

Trong khi xây dựng tháp, những người đàn ông sống trong căn lều tách biệt và tránh tiếp xúc với phụ nữ. Đây là một nghi thức được cho là làm thanh sạch tinh thần và thể xác của họ. Những người dân đảo cho rằng nếu luật lệ không được thực hiện nghiêm túc, nó sẽ phải trả giá bằng mạng sống của người tham gia.

Trước khi thực hiện cú nhảy, đoàn người gồm khoảng 100 người đàn ông bản địa thường đọc kinh thánh. Cú nhảy lý tưởng là nhảy từ độ cao lớn và vai phải tiếp đất. Người thực hiện sẽ bắt chéo hai tay trước ngực để tránh chấn thương tay, đầu cúi xuống để vai có thể chạm đất. 

Do chỉ có duy nhất 2 dây leo buộc quanh cổ chân làm đồ bảo hộ nên đã có khá nhiều cái chết xảy ra tại nghi lễ truyền thống mạo hiểm này. Tháng 2/1974, nữ hoàng Elizabeth đệ nhị tới thăm nơi đây và tới xem nghi lễ Nagol, một người đã chết vì thực hiện cú nhảy nguy hiểm này. Tuy nhiên, người dân Vanuatu vẫn thực hiện nghi lễ hàng năm vì đó là truyền thống lâu đời của họ và đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Vào thời điểm diễn ra nghi lễ, Vanuatu cũng chào đón khá nhiều du khách tới tham quan. Bị cuốn hút bởi nét đặc sắc của nền văn hóa bản địa đa dạng và môn “thể thao” nguy hiểm và kịch tính này, nhiều người từ khắp nơi trên thế giới trả hàng trăm USD để được trải nghiệm lễ hội một lần.

Mặc dù có rất nhiều khách đăng ký được thử trò chơi mạo hiểm này nhưng ban tổ chức chỉ đồng ý cho tối đa 50 khách tham gia mỗi tuần để ngăn ngừa việc thương mại hóa quá độ lễ hội này. Thu nhập từ việc bán vé cho du khách tham gia sẽ được xung công quỹ nhằm tu sửa trường học, nhà thờ... cho người dân nơi đây.