Ngày pháp luật

Tập tục kì lạ khắp năm châu: Muốn cưới được vợ, chú rể phải đoán trúng tên hình xăm bí ẩn trên người cô dâu

Thành Trung

Theo tập tục địa phương, buổi tối trước khi cử hành hôn lễ, cô dâu bắt đầu được vẽ Henna. Điều đặc biệt là người đặt nét vẽ đầu tiên sẽ là mẹ chồng tương lai của cô dâu. Với hình vẽ trên tay, cô dâu sẽ không phải làm bất cứ việc nhà nào và được cung phụng cho tới khi màu vẽ tự phai đi.

Henna là một loại hình xăm thường được thực hiện với mục đích tôn giáo hay trong những dịp lễ hội, có giá trị lớn đối với người dân Ấn Độ. Theo truyền thống, Henna thường được vẽ lên tay và chân của phụ nữ. Tuy nhiên, vào một số dịp đặc biệt, đàn ông cũng vẽ Henna.

Ngày cưới, cô dâu được vẽ Henna lên tay và chú rể phải tìm được tên của mình ẩn sau nó.
Ngày cưới, cô dâu được vẽ Henna lên tay và chú rể phải tìm được tên của mình ẩn sau nó.

Trong tập tục cưới hỏi của người Ấn Độ, vào buổi tối trước khi cử hành hôn lễ, cô dâu được vẽ Henna lên tay. Sau đó, chú rể phải tìm được tên của mình ẩn sau hình vẽ mới chính thức hoàn thành nghi thức hôn lễ.

Tập tục đó tương trưng cho sự gắn bó son sắt của vợ và chồng, cho sự màu mỡ, sinh sôi nảy nở và tình yêu đôi lứa. Người ta còn tương truyền rằng màu của Henna càng đậm, càng lâu phai thì sự gắn kết của họ càng bền vững.

Tập tục kì lạ khắp năm châu: Muốn cưới được vợ, chú rể phải đoán trúng tên hình xăm bí ẩn trên người cô dâu - Ảnh 1

Đặc biệt nhất là người đặt nét vẽ đầu tiên sẽ là mẹ chồng tương lai của cô dâu. Với hình vẽ Henna này, cô dâu sẽ không phải làm bất cứ việc nhà nào và được cung phụng cho tới khi màu Henna tự phai đi (ít nhất là 1 đến 2 tuần).

Theo lý giải khoa học, vào ngày cưới, cô dâu và chú rể đều căng thẳng, lo lắng. Hình vẽ Henna này sẽ giúp tinh thần thư giãn, không còn căng thẳng bởi nguyên liệu từ thảo dược. Henna được vẽ ở tay và chân, đây là nơi hội tụ các dây thần kinh chạy dọc của cơ thể nên giúp giải tỏa tinh thần hiệu quả.

Cây lá móng là nguyên liệu chủ yếu của nghệ thuật Henna truyền thống. Lá của nó có chứa hàm lượng cao chất tạo màu mà có thể tạo ra thuốc nhuộm màu đỏ - da cam khi liên kết với các thành phần protein. Sau đó được sấy khô, tán thành bột nhão kết hợp với nước tranh hoặc trà đặc. Hỗn hợp này được đổ vào một vật hình nón, để bóp ống và vẽ rất tinh tế lên da.

Màu Henna khi vẽ là màu đen nhưng sau 20' mực khô và bong, ta sẽ thấy màu nâu cam rất đẹp. Màu sẽ phai dần và mất trong khoảng 2 tuần. Ngoài màu nâu đỏ hoặc nâu đậm, Henna không có màu gì khác.

Henna có rất nhiều họa tiết và hoa văn khác nhau, mỗi một hoạ tiết, hoa văn lại có một ý nghĩa riêng biệt nhằm gửi gắm những lời chúc phúc tốt đẹp đến người sở hữu chúng.

Tập tục kì lạ khắp năm châu: Muốn cưới được vợ, chú rể phải đoán trúng tên hình xăm bí ẩn trên người cô dâu - Ảnh 2

Một vài hoạ tiết như hình hoa sen nở sẽ tượng trưng cho sự tinh khiết, sự thức tỉnh tâm hồn, ngây thơ và sáng tạo. Những hoạ tiết Paisley nhằm cầu mong may mắn và sự ban phúc về khả năng sinh sản. Trong khi đó, vẽ mặt trời lại có ý nghĩa nguyện ước một tình yêu sâu đậm và bền vững,… Có thể nói, hoạ tiết nào trong nghệ thuật vẽ Henna Ấn Độ cũng đều mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Theo truyền thống, Henna thường được vẽ lên tay và chân, nhưng ngày nay, môn nghệ thuật này đã trở nên linh hoạt hơn và người ta sử dụng nó để trang trí lên cả các bộ phận khác của cơ thể. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể thấy nhiều phụ nữ trẻ trưng bày hình vẽ Henna trên lưng và cánh tay tại các nước có nền tôn giáo nghiêm khắc mà không bị phạt như trước đây.