Ngày pháp luật

Tăng cường hoạt động thực hành pháp luật của sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân Luật

Anh Thư, Lê Huy/ Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Đây là đề nghị của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật đến năm 2030” chiều 27/10. Phiên họp có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục đào tạo - cơ quan chủ trì soạn thảo đề án và đại diện các Bộ, ban ngành liên quan.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, mục tiêu của đề án nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân nhóm ngành Luật; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân nhóm ngành Luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo cử nhân nhóm ngành Luật.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại phiên họp
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại phiên họp

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Giáo dục đào tạo đề xuất cần hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý nhà nước để kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân nhóm ngành Luật; đổi mới và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; tăng cường công tác dự báo nhu cầu nhân lực và đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng gắn kết với việc sử dụng nhân lực và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật ở một số cơ sở đào tạo trọng điểm.

Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng
Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng

Đánh giá cao sự hoàn thiện của dự thảo đề án, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sắp xếp lại bố cục của dự thảo, cụ thể tách phần căn cứ chính trị, pháp lý thành căn cứ là các văn bản của Đảng và căn cứ là các văn bản của nhà nước, sắp xếp theo hiệu lực văn bản; bổ sung căn cứ Nghị quyết Trung ương VI về tiếp tục xây dựng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bổ sung thêm việc chưa coi trọng công tác pháp chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong xã hội vào mục nguyên nhân của dự thảo đề án.

Đồng thời, đồng chí đề xuất phải thống nhất khung nội dung chương trình chuẩn để đào tạo cử nhân luật ở các cơ sở đào tạo; thống nhất tiêu chuẩn, điều kiện của giảng viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Nguyễn Quang Thái
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Nguyễn Quang Thái

Nhất trí với đề xuất của đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh phải có một chương trình đào tạo chuẩn áp dụng đối với các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị ban soạn thảo đặt ra mục tiêu cụ thể khi rà soát chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo.

Đại diện Bộ Tài chính đề xuất cần đánh giá thêm thực trạng nguồn lực đã, đang, sẽ được đầu tư cho công tác đào tạo luật trong thời gian qua.

Đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư đóng góp ý kiến dự thảo
Đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư đóng góp ý kiến dự thảo

Tán thành với các ý kiến trên, đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư đề nghị trong dự thảo đề án cần cân nhắc tính khả thi khi đưa ra mục tiêu 80% chương trình đạt kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong nước hoặc quốc tế; đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành trong công tác tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh hoan nghênh Bộ Giáo dục đào tạo đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của Bộ Tư pháp và hoàn thiện dự thảo đề án.

Thứ trưởng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát các thuật ngữ sử dụng trong dự thảo, chỉnh sửa bố cục dự thảo cho phù hợp; đưa ra tiêu chuẩn, điều kiện đối với đội ngũ giảng viên, tỷ lệ giảng viên cơ hữu tại các cơ sở đào tạo; nghiên cứu giải pháp tăng cường hoạt động thực hành pháp luật của sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở đào tạo luật; đồng thời đề nghị cân nhắc việc loại bỏ mục tiêu giảm số cơ sở đào tạo cử nhân ngành Luật.

Tin Cùng Chuyên Mục