Ngày pháp luật

Tản mạn đường trà - Bài 9: Thời tiết khác nhau, uống trà khác nhau

Nguyễn Hữu Hồng Kỳ

Ít ai biết rằng, uống trà không chỉ là thưởng ngoạn một loại thức uống mà còn mang ý nghĩa dưỡng sinh, dưỡng tâm.

Vạn vật có ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, thì con người cũng có ngũ tạng tương ứng Phổi - Gan - Thận - Tim - Tì vị; đồng thời tương ứng với Ngũ sắc Trắng - Xanh - Đen - Hồng (Đỏ) - Vàng; tiếp nối là ngũ vị Cay - Chua - Mặn - Ngọt - Đắng.

Ngũ hành, ngũ tạng, ngũ sắc, ngũ vị này cũng ẩn chứa trong trà, tạo nên một vòng sinh khắc chế hóa trong mỗi loại trà mà chúng ta đang sử dụng. Không chỉ đơn giản là việc thưởng ngoạn một loại thức uống mà điều này còn mang nhiều ý nghĩa dưỡng sinh, dưỡng tâm.

Thưởng trà cũng là dưỡng sinh

Trà hiện nay được chia thành 5 dòng chính là Bạch trà, Lục trà, Hắc trà, Hồng trà, Hoàng trà, tương ứng với Ngũ hành theo thứ tự Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

Lục trà là loại trà chưa trải qua quá trình sấy khô và oxy hóa. Trong Ngũ hành, Lục trà thuộc Mộc, vị chua mùi hương thơm ngào ngạt. Khi uống, nhập kinh Can (gan), Can tàng huyết, cho nên loại trà này không chỉ hỗ trợ giúp mắt sáng mà còn có thể thanh huyết, giúp chống tắc động mạch.

Trà là thức nhưng cũng là thuốc.
Trà là thức nhưng cũng là thuốc.

Hồng trà thuộc Hỏa, vị đắng, do đã trải qua quá trình oxy hóa hoàn toàn nên có màu sắc đặc thù là đỏ đậm và hương vị ngọt hậu. Khi uống, nhập kinh Tâm, giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hỗ trợ giải nhiệt, nâng cao tinh thần, giúp tim khỏe mạnh, dưỡng huyết.

Hoàng trà là loại trà bán lên men, có lá vàng và nước trà cũng màu vàng. Trong ngũ hành Hoàng trà thuộc Thổ, có vị ngọt, hương vị ngậy. Khi uống vào cơ thể nhập kinh Tỳ, thông với kinh phủ Vị cho nên, loại trà này giúp điều dưỡng Tỳ Vị, trợ giúp tiêu hóa.

Bạch trà là loại trà được lựa chọn và chế biến từ các búp trà trắng, sau đó được hấp chín và sấy khô. Chính vì sơ chế nên còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Về Ngũ Hành, Bạch trà thuộc Kim, có hương vị nhẹ, thanh the tinh tế. Khi uống vào cơ thể nhập kinh Phế, thông kinh đại tràng. Vì có tính hàn, nên Bạch trà có thể hạ hỏa, tán độc, có lợi cho đường hô hấp.

Hắc trà là loại được lên men hoàn toàn trong thời gian dài, nên trà có màu đen mà nước trà cũng có màu rất đậm. Trong ngũ hành, Hắc trà thuộc Thủy, có vị hơi mặn chát. Khi uống vào cơ thể sẽ nhập kinh Thận, đi vào bàng quang.

Thận là ngọn nguồn của sự sống, là gốc của nguyên khí và cũng là vốn liếng sức khỏe cho nên loại trà này còn có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Hơn nữa, bàng quang là kinh mạch bài tiết của nhân thể, nên sử dụng có thể hỗ trợ giúp giảm cân, tiêu mỡ, thích hợp uống vào mùa đông, kích thích tiêu hóa.

Thời tiết khác nhau, uống trà khác nhau 

Vào mùa xuân trời đất vào xuân, vạn vật đâm chồi nảy lộc, con người và tự nhiên cũng vậy. Lúc này người thưởng trà nên chọn uống Bạch trà, bởi Bạch trà có hương vị tinh tế, thanh nhẹ. Không chỉ giúp cơ thể cảm thấy thoải mái thanh thoát hơn, mà còn nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, rất thích hợp với khí hậu mùa xuân.

Mùa hạ nên uống Hắc trà, bởi thời gian này ánh nắng mặt trời nóng như thiêu như đốt, thời tiết nóng nực, con người ra nhiều mồ hôi, năng lượng tiêu hao lớn. Hắc trà có tính hàn, giải được nhiệt, đồng thời tăng cường khí huyết lưu thông, giảm mệt mỏi cho cơ thể.

Mùa thu nên uống Lục trà giúp cơ thể thoải mái và giảm đi cảm giác khô hanh.
Mùa thu nên uống Lục trà giúp cơ thể thoải mái và giảm đi cảm giác khô hanh.

Mùa thu nên uống Lục trà, vì lúc này khí hậu khô hanh khiến ta luôn có cảm giác miệng lưỡi khô. Đặc điểm của Lục trà là khi pha là nước thanh trong, lá trà có màu xanh, khi uống vào lại có vị toan, có thể giúp cơ thể thoải mái và giảm đi cảm giác khô hanh.

Mùa đông, khí hậu giá lạnh khiến con người khó chịu, chức năng sinh lý của con người giảm, dương khí yếu, vì thế yêu cầu của cơ thể đối với năng lượng và dinh dưỡng tương đối cao, chính vì vậy cần phải làm sao để có thể làm tiêu tan đi cái giá lạnh, giữ ấm và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Thời điểm này uống Hồng trà là thích hợp nhất.

Ngũ hành đối ứng với ngũ sắc, ngũ sắc lại chủ trì ngũ tạng. Vì vậy dùng ngũ sắc của trà để nâng cao năng lượng chính yếu của ngũ tạng, sẽ giúp tâm và thân đạt tới trạng thái cân bằng, tâm thái tự nhiên tĩnh tại thoải mái.

 
Tản mạn đường trà - Bài 9: Thời tiết khác nhau, uống trà khác nhau - Ảnh 1

Đối với nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, văn hoá phương Đông từ lâu đã trở thành niềm đam mê và lẽ sống của anh. Những gì Hồng Kỳ nghiên cứu thường "không giống" người khác. 

Cách đây 10 năm, anh đã từ bỏ vị trí giám đốc một công ty có hơn 1000 nhân viên để ra nước ngoài theo đuổi con đường nghiên cứu về huyền học phương Đông, bao gồm Ngũ thuật Sơn - Y - Bốc - Mệnh - Tướng. 

Tốt nghiệp Học viện Mastery Academy tại Malaysia, Hồng Kỳ còn thọ giáo nhiều chuyên gia phong thủy nổi tiếng trên thế giới. Về Việt Nam, Nguyễn Hữu Hồng Kỳ tiếp tục con đường nghiên cứu của mình với Trà.

Từ đây, những chuyến đi khám phá lại bắt đầu. Ban đầu anh đến Hà Giang, Lào Cai... để đưa những búp trà cổ thụ thuần Việt đến gần với mọi người hơn. 

Sau đó là những chuyến đi về các vùng danh trà của Trung Quốc, Đài Loan và thậm chí Australia, Mỹ, châu Âu... để viết nên những trải nghiệm về "con đường trà" của riêng mình.

Qua nhiều năm tháng trải nghiệm, người đàn ông ấy sắp bước vào độ tuổi ngũ tuần nhưng vẫn bừng bừng đam mê và nhiệt huyết, vẫn đang ấp ủ nhiều kế hoạch lớn lao hơn nhằm đưa văn hóa phương Đông đến gần hơn với mọi người, nhất là lớp trẻ; đồng thời cũng đưa văn hóa phương Đông ra ngoài khuôn khổ châu Á.