Ngày pháp luật

Tản mạn đường trà - Bài 1: Đi tìm cội nguồn của trà

Nguyễn Hữu Hồng Kỳ

Dù là ở phương Đông hay phương Tây, được trồng trên vùng núi cao hay đồi thoải, tất cả những loại trà trên thế giới đều được làm từ cây trà có giống cây Camellia Sinensis – họ Theaceae.

Không ai biết trà bắt đầu xuất hiện trên trái đất này từ khi nào, cũng không ai có thể trả lời chắc chắn đang có bao nhiêu loại trà trên thế giới này. Vậy nhưng có một điều chắc hẳn ai cũng phải công nhận đó là trà đã trở thành một phần của cuộc sống. Cũng chính vì vậy mà trà là thức uống phổ biến thứ hai chỉ sau nước.

Dù là ở phương Đông hay phương Tây, được trồng trên vùng núi cao hay đồi thoải, tất cả những loại trà trên thế giới đều được làm từ cây trà (có giống cây Camellia Sinensis – họ Theaceae). Loại cây này thường xuất hiện ở vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Cây trà (Camellia Sinensis) thuộc loại thân gỗ, được cắt tỉa sao cho chiều cao vừa tầm ngang hông để dễ thu hoạch.
Cây trà (Camellia Sinensis) thuộc loại thân gỗ, được cắt tỉa sao cho chiều cao vừa tầm ngang hông để dễ thu hoạch.

Cây trà thuộc loại thân gỗ, được cắt tỉa sao cho chiều cao vừa tầm ngang hông để dễ thu hoạch hơn. Vậy nhưng cũng có loại trà cổ thụ vùng Đông Bắc giáp với biên giới Trung Quốc với thân cao vài ba mét.

Không nhiều người biết, trà cũng chứa hàm lượng caffein nhất định. Dù trà không tạo cảm giác kích thích như cà phê nhưng cảm giác mà trà mang lại cho người thưởng thức là sự khoan khoái, thanh tịnh và định thần. Hơn thế nữa, trà còn chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe, mà ít mang lại tác dụng phụ nào khác.

Thời kỳ hưng thịnh của trà ở Trung Hoa 

Tại đất nước tỷ dân, xuyên suốt các triều đại Tây Chu (1122 TCN – 249 TCN), nhà Tần (221 TCN – 206 TCN), nhà Hán (202 TCN - 220), trà được xem là mặt hàng thượng phẩm, chỉ xuất hiện trong tầng lớp hoàng gia và quý tộc. Thậm chí, đôi khi trà còn được coi là biểu tượng của sự tôn nghiêm.

Đến thời kỳ nhà Đường (618 - 907), với sức ảnh hưởng lớn mạnh của quyền lực và việc kiểm soát phần lớn của cải, trà và văn hóa trà Trung Hoa càng được phát triển rộng mở.

Một trong những nhân tố góp công lớn nhất giúp trà trở nên phát triển chính là thương nhân thời đó. Bất kể nơi nào họ đi qua, mỗi địa điểm họ đặt chân đến, có thương nhân Trung Quốc là ở đó có trà.

Đời Đường là một trong những vương triều phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Trung Quốc. Minh chứng cho điều này chính là việc "cầm, kỳ, thi, họa" cùng một số loại hình nghệ thuật khác đã để lại nhiều dấu ấn. Và trà cũng không ngoại lệ.

Nghệ thuật trà không chỉ là thưởng trà mà còn là biểu diễn với trà.
Nghệ thuật trà không chỉ là thưởng trà mà còn là biểu diễn với trà.

Thời kỳ đó, trà không những phải đáp ứng bộ tiêu chuẩn cực kỳ cao, mà tất cả mọi thứ liên quan đến trà như ấm, chén, nước, dụng cụ và hộp trà đều phải có chất lượng hảo hạng.

Không dừng lại ở đó, nghệ thuật trà tại đây được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ là thưởng trà mà còn là biểu diễn với trà. Các kỹ thuật pha trà mang đậm nét biểu diễn, được gọi là kungfu trà.

Điều quan trọng, không chỉ phát triển trong nước, mà thời kỳ này còn là thời kỳ mà Trung Hoa phát dương quang đại văn hóa trà của mình ra thế giới.

Trà đến với Nhật Bản - trở thành nghệ thuật trà đạo vang danh thế giới

Theo nhiều tài liệu, vào thời nhà Đường, nhiều vị nhà sư thuộc phái Thiền tông tại Nhật Bản sang Trung Quốc để tu đạo, đã mang theo cây trà về quê hương của mình. Tuy nhiên, thời điểm này trà vẫn chưa được nhiều người biết đến và việc dùng trà vẫn chỉ dừng lại là một cách để thể hiện sự sang trọng trong giới quý tộc.

Phải đến cuối thế kỷ XVI, trường phái uống trà kết hợp với các triết lý Thiền định mới trở thành một cách thức uống trà đặc biệt của người Nhật. Đây cũng chính là tảng đá đầu tiên đánh dấu cho một sự phát triển của nền trà đạo Nhật Bản.

Chính vì gắn mình với Thiền nên cách thức và không gian uống trà của người Nhật Bản có nhiều điểm khác biệt so với các quốc gia khác.

Với người Nhật, phương pháp pha trà còn là cách để hòa mình vào thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để có thể giác ngộ
Với người Nhật, phương pháp pha trà còn là cách để hòa mình vào thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để có thể giác ngộ

Với người Nhật, phương pháp pha trà còn là cách để có thể gột rửa tâm hồn bằng cách hòa mình vào thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính, và giác ngộ. Vì vậy, cách thức pha trà tại Nhật có rất nhiều nguyên tắc, mà nếu người pha trà không hiểu được sẽ không đạt được cảnh giới của nó.

Không gian thưởng trà của người Nhật cũng được gói gọn trong một gian phòng giản dị, bên trong chỉ đặt để những dụng cụ dùng để pha trà và thưởng trà. Vật trang trí cũng chỉ một vài bình hoa được cắm hoa theo mùa. Người Nhật tận dụng tối đa khoảng không để lắng đọng tâm hồn, thưởng trà và ngộ đạo.

Sau này, khi cuộc sống phát triển, nhiều người chọn vườn nhà để làm nơi thưởng trà, nhưng nơi tiếp trà cũng chỉ giới hạn số người cùng thưởng thức. Điều này tránh việc tiếp đón không được chu đáo của gia chủ, đồng thời khiến cho tinh thần mọi người đều bị sao lãng.

Trà phát triển cực thịnh ở phương Đông là thế nhưng con đường vươn mình đến với phương Tây của trà ra sao? Doanhnhan.vn sẽ gửi đến bạn phần tiếp theo với tựa đề "Trà vươn mình đến Tây phương" để giúp độc giả hiểu hơn về cội nguồn của trà.

 
Tản mạn đường trà - Bài 1: Đi tìm cội nguồn của trà - Ảnh 1

Đối với nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, văn hoá phương Đông từ lâu đã trở thành niềm đam mê và lẽ sống của anh. Những gì Hồng Kỳ nghiên cứu thường "không giống" người khác. 

Cách đây 10 năm, anh đã từ bỏ vị trí giám đốc một công ty có hơn 1000 nhân viên để ra nước ngoài theo đuổi con đường nghiên cứu về huyền học phương Đông, bao gồm Ngũ thuật Sơn - Y - Bốc - Mệnh - Tướng. 

Tốt nghiệp Học viện Mastery Academy tại Malaysia, Hồng Kỳ còn thọ giáo nhiều chuyên gia phong thủy nổi tiếng trên thế giới. Về Việt Nam, Nguyễn Hữu Hồng Kỳ tiếp tục con đường nghiên cứu của mình với Trà.

Từ đây, những chuyến đi khám phá lại bắt đầu. Ban đầu anh đến Hà Giang, Lào Cai... để đưa những búp trà cổ thụ thuần Việt đến gần với mọi người hơn. 

Sau đó là những chuyến đi về các vùng danh trà của Trung Quốc, Đài Loan và thậm chí Australia, Mỹ, châu Âu... để viết nên những trải nghiệm về "con đường trà" của riêng mình.

Qua nhiều năm tháng trải nghiệm, người đàn ông ấy sắp bước vào độ tuổi ngũ tuần nhưng vẫn bừng bừng đam mê và nhiệt huyết, vẫn đang ấp ủ nhiều kế hoạch lớn lao hơn nhằm đưa văn hóa phương Đông đến gần hơn với mọi người, nhất là lớp trẻ; đồng thời cũng đưa văn hóa phương Đông ra ngoài khuôn khổ châu Á.