Ngày pháp luật

"Tiến sĩ đàn hương" đau lòng vì cây giống kém chất lượng tràn lan thị trường

Nguyễn Tuân

Cây Đàn hương là một giống cây trồng rất quý hiếm và được ví như cây “vàng xanh”. Tuy nhiên, Tiến sỹ Vũ Thoại, người đầu tiên mang giống cây Đàn hương về Việt Nam, nhiều năm lăn lội “ăn ngủ” cùng đàn hương lại ước gì mình đã không mang nó về.

Hãy cùng phóng viên chúng tôi tìm hiểu thực hư những tâm sự và trải lòng của ông trong câu chuyện này.

PV: Thưa ông, là người đầu tiên mang cây Đàn hương quý hiếm được ví như “vàng xanh” về Việt Nam. Sau 5 năm trồng, ông đánh giá thế nào về khả năng sinh trưởng của cây Đàn hương tại nước ta.

TS Vũ Thoại: Trước khi đưa cây Đàn hương về phát triển tại Việt Nam, chúng tôi đã mời các nhà khoa học của Ấn Độ, quê hương của cây đàn hương sang để khảo sát điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam xem có phù hợp với việc phát triển cây đàn hương không. Các nhà khoa học Ấn Độ có nhận xét là Việt Nam có nhiều vùng khí hậu và thổ nhưỡng tương đối giống với Ấn Độ nên hoàn toàn có thể trồng được cây đàn hương.

"Tiến sĩ đàn hương" đau lòng vì cây giống kém chất lượng tràn lan thị trường - Ảnh 1

Chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về khả năng thích nghi của cây cây đàn hương có xuất xứ Karnataka tại Việt Nam. 

Sau khi trồng khảo nghiệm cây đàn hương tại Việt Nam được 3 năm, chúng tôi lại mời các chuyên gia Ấn Độ sang đánh giá. Các chuyên gia thực sự ngạc nhiên về tốc độ sinh trưởng và phát triển cây đàn hương trồng tại nước ta. Tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh hơn tại Ấn Độ khoảng 20%. Bình thường cây tại Ấn Độ năm thứ 3 mới có quả thì cây đàn hương tại Việt Nam năm thứ 2 đã có quả. Thông thường cây đàn hương kể từ khi gieo hạt, khoảng 5 năm mới bắt đầu hình thành lõi cây thì cây đàn hương tại Việt Nam đã bắt đầu hình thành lõi. Điều này chứng tỏ cây đàn hương rất phù hợp để phát triển tại một số vùng của nước ta.

PV: Chúng tôi được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận giống cây đàn hương. Vậy Bộ có hướng gì để giúp Viện nghiên cứu cây đàn hương có những nghiên cứu chuyên sâu hay phát triển các sản phẩm về cây đàn hương, thưa ông?

TS Vũ Thoại: Đợt vừa qua Bộ cũng rất nhiệt tình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chúng tôi hoàn thiện hồ sơ để công nhận giống cây Đàn hương. Bộ đã cử một đoàn các nhà khoa học đi khảo sát và đánh giá các vườn trồng cây đàn hương khảo nghiệm để có những số liệu giúp chúng tôi công nhận giống.

"Tiến sĩ đàn hương" đau lòng vì cây giống kém chất lượng tràn lan thị trường - Ảnh 2

 Một vườn cây giống đàn hương bố mẹ tại Ấn Độ.

Tuy nhiên hiện nay toàn bộ kinh phí để nghiên cứu và trồng khảo nghiệm cũng như phát triển cây đàn hương là đều do các cá nhân, các nhà khoa học chúng tôi tự bỏ tiền túi ra để làm nghiên cứu. Có thể do nguồn kinh phí để nghiên cứu các giống cây trồng mới còn hạn hẹp nên chúng tôi chưa được các Bộ, ban ngành hỗ trợ gì.

Theo chúng tôi được biết hiện tại chỉ mỗi Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm được được công nhận giống, nhưng trên thị trường có rất nhiều cơ sở bán giống cây đàn hương, liệu những nguồn giống này có đảm bảo về chất lượng cây giống không thưa ông?

"Tiến sĩ đàn hương" đau lòng vì cây giống kém chất lượng tràn lan thị trường - Ảnh 3

 Phát triển sản phẩm trà dược liệu cao cấp từ búp, lá của cây đàn hương

TS Vũ Thoại: Cây đàn hương bắt đầu được các cơ sở bán giống bán tràn lan cho người trồng. Việc này làm chúng tôi thực sự vô cùng đau xót khi chứng kiến cảnh này. Đã có nhiều lúc tôi cảm thấy chán nản và tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp là giá như mình không đưa giống Đàn hương về Việt Nam có thể sẽ tốt hơn.

Xin Tiến sỹ nói rõ hơn về việc này.

TS Vũ Thoại: Ở Ấn Độ, quy trình quản lý cây đầu dòng để lấy giống vô cùng nghiêm ngặt. Họ phát triển một số vườn trồng cây đàn hương ở các địa điểm khác nhau.

"Tiến sĩ đàn hương" đau lòng vì cây giống kém chất lượng tràn lan thị trường - Ảnh 4

 TS Vũ Thoại (trái) cùng cây giống đàn hương từ Ấn Độ

Sau đó họ chọn vườn trồng nào mà sau 8 năm quan sát không phát hiện bất cứ cây nào bị bệnh xoăn lá (Spike disease), một căn bệnh rất nguy hiểm, có tính lây lan và dẫn đến cây đàn hương bị chết hàng loạt, thì mới chọn vườn đó làm giống. Sau đó họ khoan thăm dò lõi cây. Chỉ những cây có hình thành lõi và đạt yêu cầu về kích cỡ lõi, họ đánh số và chọn làm cây bố mẹ. Toàn bộ vườn được rào, canh gác rất cẩn thận và chỉ lấy hạt ở những cây bố mẹ đã chọn. Thông thường không quá 30% số cây trong vườn được chọn làm cây bố mẹ. Và hạt cây đàn hương để làm giống thường đắt trên 5 lần hạt cây đàn hương thông thường và cả đất nước Án Độ có không quá 5 vườn đủ tiêu chuẩn lấy hạt làm giống và đều do Chính phủ Ấn Độ quản lý.

Ở nước ta, một số cơ sở bán giống chỉ chú trọng đến lợi nhuận. Họ mua hạt từ các cây trồng rất non từ cây 4 - 5 năm tuổi tại Trung Quốc, thậm chí cả hạt từ những cây non mới trồng ở Việt Nam. Họ chẳng cần biết cây đó đã có lõi hay chưa, cây đó có mang mầm bệnh hay không. Họ dùng các chất kích thích không cho phép đối với việc kích thích nảy mầm cho hạt đàn hương để kích cho hạt nảy mầm với tỷ lệ cao. Họ làm cây giống theo kiểu thương mại, phun các chất kích thích cho cây phát triển càng nhanh càng tốt. Thời gian trồng cây ký chủ, quy trình để giảm ánh sáng, thời gian phơi nắng đều không theo quy trình nghiêm ngặt. Dẫn đến chất lượng cây giống rất thấp. Cứ theo đà này, giống cây đàn hương sẽ thoái hóa rất nhanh, bệnh dịch sẽ phát sinh nhiều, cây không hình thành lõi hoặc hình thành lõi chậm sẽ rất cao. Toàn bộ hệ sinh thái của việc phát triển cây đàn hương sẽ bị phá vỡ và cuối cùng người nông dân sẽ là người bị tổn hại nhiều nhất.

Vậy Viện nghiên cứu cây đàn hương đã và sẽ làm gì để giúp người trồng cây đàn hương yên tâm trồng cây Đàn hương, thưa ông?

TS Vũ Thoại: Hiện tại Viện nghiên cứu cây đàn hương chúng tôi đang cố gắng hết sức làm các công việc sau để hỗ trợ người trồng cây Đàn hương tại Việt Nam.

- Về cây giống: Chúng tôi đang làm toàn bộ mã vạch cho từng cây Đàn hương giống xuất ra. Người mua có thể dễ dàng tra cứu các thông tin liên quan như xuất xứ hạt giống, ngày gieo hạt, ngày vào bầu, cây giống được chăm sóc tại vùng nào, thời gian cấy cây ký chủ, thời gian phơi nắng... Như thế bà con sẽ rất yên tâm về chất lượng cây giống.

"Tiến sĩ đàn hương" đau lòng vì cây giống kém chất lượng tràn lan thị trường - Ảnh 5

TS Vũ Thoại khảo sát cây đàn hương tại Tây Nguyên.

Ngoài ra mỗi người trồng đàn hương đều được chúng tôi cấp một thẻ khách hàng có mã số khách hàng để dễ. Bà con trồng cây đàn hương sẽ được chúng tôi chăm sóc, quản lý và hỗ trợ đầu ra theo mã khách hàng.

Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn hóa bộ nhận dạng thương hiệu để bà con dễ dàng nhận biết đâu là các điểm cung cấp cây giống của chúng tôi để yên tâm không mua phải giống cây trôi nổi kém chất lượng

- Về hỗ trợ kỹ thuật trồng cây: Ngoài việc tư vấn trực tiếp và có các vườn mẫu cho bà con thăm quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây Đàn hương, chúng tôi đã xây dựng một Hội trên mạng xã hội Facebook có tên “Hội trồng cây Đàn hương Ấn Độ”. Tại đây tất cả các vấn đề về kỹ thuật, sâu bệnh mà bà con gặp phải đều được các chuyên gia của chúng tôi, thậm chí có cả các chuyên gia về cây Đàn hương người Ấn Độ, hướng dẫn cụ thể.

- Về việc hỗ trợ sản phẩm đầu ra: Chúng tôi đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Tập đoàn Đàn hương Việt Nam để phát triển, thương mại hóa các sản phẩm sau nghiên cứu của chúng tôi về cây Đàn hương. Đồng thời Tập đoàn Đàn hương Việt Nam cũng ký cam kết bao tiêu toàn bộ hạt và gỗ cho bà con sau khi trồng.                              

Thưa Tiến sỹ, người trồng cây Đàn hương cần lưu ý việc gì trước khi trồng loại cây mới mẻ này.

"Tiến sĩ đàn hương" đau lòng vì cây giống kém chất lượng tràn lan thị trường - Ảnh 6

 TS. Vũ Thoại (ngoài cùng bên phải) tại vườn ươm Đăk Lăk

TS Vũ Thoại: Tôi đã nhiều lần lên tiếng trên các phương tiên truyền thông đại chúng để cánh báo bà con một số điều trước khi trồng cây Đàn hương. Hôm nay tôi xin nhắc lại như sau:

Thứ nhất, tôi khẳng định cây Đàn hương là một loại cây trồng rất quý hiếm và cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bà con không nên nghe theo những người bán giống hoặc nghe người ta “thổi phồng” giá trị và “thần thánh hóa” cây Đàn hương và chạy theo phong trào để trồng khi chưa được tư vấn kỹ về thổ nhưỡng, khí hậu và các điều kiện cần thiết để trồng cây này.

"Tiến sĩ đàn hương" đau lòng vì cây giống kém chất lượng tràn lan thị trường - Ảnh 7

 Vườn ươm giống cây đàn hương tại Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm.

Thứ nhì, có đến 16 loại Đàn hương trắng và về hình thái tuiơng đối giống nhau. Nhưng chỉ có giống Đàn hương Ấn Độ có tên khoa học là Santalum Album là giống có giá trị kinh tế cao nhất. Bà con phải lưu ý mua đúng giống Đàn hương trắng Ấn Độ.

Thứ ba, hiện đang có rất nhiều cơ sở bán giống không rõ nguồn gốc, cây giống chưa được công nhận, vì thế bà con không nên ham rẻ để mua giống kém chất lượng để sau hơn chục năm trồng lại phải phá bỏ đi hoặc sẽ thu được hiệu quả rất kém.

Cuối cùng, vì cây Đàn hương là đối tượng cây rất mới. Trước khi trồng cây này, bà con cần được các nhà khoa học tư vấn cho rất kỹ trước khi trồng để đảm bảo về vùng đất của mình có trồng được hay không, loại cây trồng gì phù hợp làm cây ký chủ cho cây đàn hương, khoảng cách, mật độ trồng thế nào, mô hình trồng xen giữa cây Đàn hương và cây gì cho hiệu quả kinh tế cao và đỡ rủi ro nhất.

Xin cảm ơn và chúc Tiến sỹ và bà con trồng Đàn hương sớm gặt hái được những thành quả với giống cây này.

Đang là Hiệu trưởng của trường Cao đẳng Công nghệ Kinh tế Hà Nội, TS Vũ Thoại bất ngờ rời bỏ vị trí, để dấn thân vào với sự nghiệp trồng cây quý đàn hương để giúp ích cho người nông dân. 

TS Vũ Thoại chia sẻ về quyết định của mình: “Làm Hiệu trưởng thì nhiều người có thể làm được, nhưng đem về một giống cây quý cho bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững thì không phải ai cũng đủ tâm huyết. Đã bao nhiêu năm rồi nền lâm nghiệp nước nhà chưa tạo ra được một loại cây gì có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định và có thể phát triển trên diện rộng cho người nông dân bớt khổ. Với động lực đó, mình đam mê và trăn trở với cây đàn hương, quyết đưa về trồng thử nghiệm và phát triển tại Việt Nam”. 

“Chuyển đổi từ thầy giáo sang nông dân và bắt đầu học hỏi những kinh nghiệm đầu tiên của một người nông dân. Nhát cuốc bổ xuống, đánh dấu sự chuyển đổi từ nghề giáo sang nghề nông. Bao nhiêu ấp ủ dồn vào dự án 10ha mô hình trang trại với hàm lượng giá trị cao này. Từng tấc đất được tận dụng tối đa để tăng nguồn thu và có nguồn thu sớm nhất. Cây ngắn hạn là cây dược liệu kim tiền thảo, sau 6 tháng cho nguồn thu. Cây trung hạn là giống na Thái và các giống bơ Mỹ ngon nhất, phù hợp với cái lạnh miền Bắc như bơ Hass, Pinkerton và Gem. Còn cây dài hạn dĩ nhiên là đàn hương rồi”, TS Vũ Thoại chia sẻ chân thành trên facebook cá nhân.

Cấp “giấy thông hành” cho cây đàn hương tại Việt Nam

Theo Quyết định số 1305/QĐ-BNN-TCLN ngày 22/04/2019 (Quyết định 1305), Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công nhận giống cây trồng cây lâm nghiệp mới với giống cây đàn hương có xuất xứ Karnataka, Ấn Độ.

Quyết định 1305 giao Tổng cục Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan đưa giống được công nhận vào sản xuất ở những nơi có điều kiện sinh thái tương tự nơi trồng thử nghiệm.

Hiện cây đàn hương đã được trồng tại hơn 40 tỉnh thành trên cả nước, tập trung ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Bắc Bộ với diện tích trồng khoảng hơn 200ha. Đàn hương có xuất xứ Karnataka (Ấn Độ) - vùng áp dụng của giống đàn hương được xác định là huyện Buôn Đôn, TP. Buôn Mê Thuật (Đắk Lắk); Huyện Lục Ngân, TP. Bắc Giang (Bắc Giang); Huyện Thạch Thất, TX Sơn Tây (Hà Nội) và một số vùng sinh thái tương tự.

Tin Cùng Chuyên Mục