Ngày pháp luật

SSI Research: Nhu cầu bất động sản khu công nghiệp dự kiến tăng mạnh nhờ hút khách mới

Linh An

Theo SSI, việc triển khai các bảng giá đất mới tại nhiều địa phương từ cuối năm 2024 đã dẫn đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp mới tăng đáng kể.

Theo báo cáo phân tích mới đây của bộ phận phân tích Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research), tăng trưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong 10 năm qua, nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất.

Các quốc gia như Singapore, Đài Loan, và Trung Quốc đóng góp chính vào sự tăng trưởng này. Nguyên nhân là do Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chính sách đầu tư thuận lợi, chi phí lao động thấp, và nền kinh tế ổn định. 

Trong năm 2024, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng chậm dần. Trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 27,26 tỷ USD, chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ.

SSI Research: Nhu cầu bất động sản khu công nghiệp dự kiến tăng mạnh nhờ hút khách mới - Ảnh 1

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp FDI có thể sẽ chờ các thông tin cụ thể hơn về những chính sách thuế quan mới của Trump, bao gồm những luật thuế ảnh hưởng đến nhập khẩu từ Việt Nam.

Phân tích về sự tăng trưởng chậm này, theo SSI Research biến động của tỷ giá hối đoái có thể ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, dẫn đến các doanh nghiệp FDI do dự trong việc đầu tư mới. Cần có những cải cách về chính sách FDI để thu hút vốn nước ngoài vào các ngành mục tiêu.

Hiện nay, Việt Nam đang phải cạnh tranh thu hút FDI với các nước láng giềng như Indonesia đã ban hành Luật Omnibus hay Thái Lan quỹ nâng cao năng lực cạnh tranh và áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại khu vực miền Nam còn hạn chế: Tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm, dẫn đến chi phí logistics cao hơn có thể khiến cho đầu tư ít hấp dẫn hơn.

Diện tích đất sẵn sàng cho thuê có tại các vùng công nghiệp còn lại khá ít khến cho các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc chọn địa điểm đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2019 đến 2023, hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng tích cực với diện tích MOUs và ký mới đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 35%. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Hyundai, Lotte, Luxshare, Lego, Hyosung và Foxconn, nhằm đa dạng hóa sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giá thuê trung bình cũng tăng đáng kể, với các khu công nghiệp ở miền Bắc tăng 35%, trong khi các khu công nghiệp ở miền Nam tăng đáng kể 67% từ năm 2020 đến quý II/2024.

SSI Research: Nhu cầu bất động sản khu công nghiệp dự kiến tăng mạnh nhờ hút khách mới - Ảnh 2

Tuy nhiên, SSI Research cũng nhấn mạnh Chính phủ đang có những hành động nhằm giải quyết các nút thắt để thu hút dòng vốn FDI bao gồm nghiên cứu và thiết lập các cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu; đề xuất Luật công nghiệp công nghệ số với các ưu đãi khi đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất bán dẫn. 

Chính phủ cũng sẽ sửa đổi một số điều khoản trong Luật đầu tư hiện hành để Ủy ban Nhân dân tỉnh có thể cấp chứng nhận đầu tư vào khu công nghiệp mới. Ngoài ra, việc nâng cao cơ sở hạ tầng để kết nối các trung tâm công nghiệp, như đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt nối Trung Quốc và Việt Nam cũng là yếu tố tích cực. Do vậy, SSI Research kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng, ngay cả khi các luật thuế mới của Mỹ được áp dụng.

SSI Research: Nhu cầu bất động sản khu công nghiệp dự kiến tăng mạnh nhờ hút khách mới - Ảnh 3

Việc triển khai các bảng giá đất mới tại nhiều địa phương từ cuối năm 2024 đã dẫn đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp mới tăng đáng kể. Điều này sẽ khiến chi phí gia tăng sẽ làm biên lợi nhuận của dự án khu công nghiệp mới giảm xuống mức 30-35%, so với hơn 50% ở các dự án khu công nghiệp hiện hữu.

SSI đưa ra một vài gợi ý các công ty có diện tích sẵn sàng cho thuê lớn như SIP, IDC, VGC, SZC, KBC, NTC... 

Tin Cùng Chuyên Mục