Ngày pháp luật

Nửa đầu năm 2023, Dai-ichi công bố lợi nhuận cao thứ ba sau Manulife (Việt Nam) và Prudential Việt Nam

Trung Hiếu

Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2023 của Công ty TNHH Bảo hiểm Dai-ichi Việt Nam đạt 1.275 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Với kết quả này, lãi lũy kế của Dai-ichi đến ngày 30/6 đã lên tới gần 9.200 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2023, lãi lũy kế của Dai-ichi đạt gần 9.200 tỷ đồng
Nửa đầu năm 2023, lãi lũy kế của Dai-ichi đạt gần 9.200 tỷ đồng

Lãi đậm trong 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo tài chính bán niên 2023 mà Dai-ichi vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.440 tỷ đồng, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn 7.513 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 1% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Dai-ichi đạt 1.770 tỷ đồng, tăng 50%, chi phí hoạt động tài chính 217 tỷ đồng, giảm 35%, chi phí quản lý doanh nghiệp gần 476 tỷ đồng, tăng 24%.

Do doanh thu giảm nhanh hơn chi phí, nửa đầu năm 2023, Dai-ichi báo lãi trước thuế và sau thuế lần lượt là 1.568 tỷ đồng và 1.275 tỷ đồng, giảm 4% và 2% so với cùng kỳ.

Với kết quả này, Dai-ichi đang là công ty có lợi nhuận cao thứ ba trên tổng số 12 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã công bố báo cáo tài chính bán niên, sau Manulife (Việt Nam) và Prudential Việt Nam.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Dai-ichi tại ngày 30/6/2023 đã tăng 7% so với con số đầu năm lên 62.369 tỷ đồng. Xét về quy mô tổng tài sản, doanh nghiệp bảo hiểm này đang đứng thứ 3 thị trường, chỉ sau Prudential Việt Nam (168.029 tỷ đồng) và Manulife Việt Nam (111.545 tỷ đồng), đồng thời cao hơn hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn lại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Nợ phải trả tăng 8%

Trong tổng tài sản của Dai-ichi, tiền và các khoản tương đương tiền đã giảm tới 40% so với hồi đầu năm, xuống 5.439 tỷ đồng, bao gồm hơn 624 tỷ đồng tiền mặt và gần 4.815 tỷ đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng có kỳ hạn dưới 3 tháng. Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của Dai-ichi vẫn là các khoản đầu tư tài chính với 5.954 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và hơn 40.010 tỷ đồng tài chính dài hạn.

Trong đó, Dai-ichi có gần 2.000 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán; 2.501 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng tới 1 năm; hơn 39.951 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 1 năm; 29.241 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu chính phủ và gần 8.418 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp…

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tại ngày 30/6 của công ty đã tăng 8% lên 42.933 tỷ đồng, phần lớn là khoản dự phòng nghiệp vụ gần 40.007 tỷ đồng.

Đặc biệt, kỳ này, khoản thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Dai-ichi đạt hơn 201 tỷ đồng, cao hơn đa số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác.

Tính đến hết tháng 6, vốn chủ sở hữu Dai-ichi đạt 19.434 tỷ đồng, chiếm phần lớn là vốn đầu tư của chủ sở hữu gần 9.798 tỷ đồng và hơn 9.189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lãi lũy kế).

Theo công bố của Bộ Tài chính tại họp báo thường kỳ quý 3/2023, đơn vị này đã hoàn thành thanh tra tại hai doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Bảo hiểm AIA), Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi (Dai-ichi).

Việc này diễn ra sau khi Bộ Tài chính ghi nhận khi xuất hiện tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng.

Hiện Bộ Tài chính đang thanh tra Manulife và một doanh nghiệp khác, và từ nay tới cuối năm bộ sẽ tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp còn lại theo kế hoạch.

Tin Cùng Chuyên Mục