Ngày pháp luật

Nguy cơ mất trắng hơn 38.000 tỉ đồng

Theo C.Nguyên/Lao Động

Với 91,32% đại biểu Quốc hội (QH) tán thành, mới đây (13.6) QH đã thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua quyết định xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt (gọi chung xóa nợ thuế) với một số trường hợp bất khả kháng. Nhiều luật sư cho rằng, quy định này là cần thiết, nhưng nếu không chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng trây ì để được xóa nợ thuế.

Nguy cơ mất trắng hơn 38.000 tỉ đồng - Ảnh 1

 

Hơn 38.000 tỉ đồng có khả năng xóa?

Với 91,32% đại biểu Quốc hội (QH) tán thành, mới đây (13.6) QH đã thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đó, Quốc hội đã nhất trí đối với 5 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cụ thể như: Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; Cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại 2 trường hợp nêu trên, mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của luật này và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi… ; Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 8 Điều 59 của luật này và đã được gia hạn nộp thuế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 62 của luật này mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế tính đến tháng 5 là hơn 84.600 tỉ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 46.400 tỉ đồng và nợ không còn khả năng thu hồi là 38.137 tỉ đồng, chiếm tới 45,1% tổng số nợ thuế.

Số nợ không có khả năng thu hồi đang là thách thức không nhỏ với ngành thuế khi con số gia tăng hằng ngày, hằng tháng (tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày) dẫn đến gây lãng phí nhân sự quản lý và làm mất cân đối cán cân thu ngân sách nhà nước. Dự kiến số nợ thuế này sẽ được xóa trong thời gian tới khi Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua.

Lách luật chờ xóa?

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, các quy định hướng dẫn dưới luật cần chặt chẽ để tránh tình trạng trây ì nợ thuế để 10 năm sau được xóa. Theo ông Ứng, quy định về xóa nợ thuế là cần thiết nhưng thực tế có nhiều chiêu trò để gian lận, tẩu tán tài sản nhằm tránh nghĩa vụ thuế. Có những doanh nghiệp nợ tiền thuế nhưng cố tình đem tài sản đi bán, cho, tặng dẫn đến khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế thì doanh nghiệp không còn gì để trả.

“Xu hướng nợ thuế đang ngày càng tăng, nên việc phối hợp trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan chức năng sớm được triển khai. Đồng thời, cơ quan thuế cần công khai, minh bạch danh sách doanh nghiệp được xóa nợ thuế ra công chúng để người dân có sự giám sát”, luật sư Ứng chia sẻ.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, khi doanh nghiệp không còn khả năng trả tiền thuế thì xóa là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, thế nào là mất khả năng trả nợ thuế cần phải quy định chặt chẽ nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp bắt tay với cán bộ thuế, cơ quan được ra quyết định xóa thuế để tham nhũng tiền ngân sách nhà nước.

Tin Cùng Chuyên Mục