Tại các thành phố lớn như Hà Nội, sau khi đã giải quyết được các nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, chữa bệnh, học hành thì mối quan tâm lớn nhất của đông đảo người dân là có thể đứng tên sở hữu một ngôi nhà. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra nguồn cung nhà ở liệu có thể đáp ứng hết nhu cầu cho người dân hay không, nhất là đại đa số vẫn có thu nhập ở mức trung bình, và khi sự lệch pha cung cầu ngày càng rõ nét?
Báo cáo mới nhất từ Savills cho thấy, thị trường Hà Nội đang chứng kiến đà rơi mạnh về nguồn cung, đẩy mức thanh khoản chìm sâu và giá bán chịu áp lực tăng mạnh. Cụ thể, đến hết tháng 6, thị trường chỉ ghi nhận thêm khoảng 1.600 căn hộ từ một dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 6 dự án. Nguồn cung mới đã giảm 60% theo quý và giảm 74% theo năm. Đẩy nguồn cung mới xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cùng với đó, giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2, tăng 7% theo quý và tăng 11% theo năm, các dự án hạng B tăng mạnh nhất đạt mức 13% theo năm.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội, nguồn cung mới (lần đầu được mở bán) là thước đo, phản ánh mức độ sôi động của thị trường. Nhìn diễn biến nửa đầu năm nay có thể thấy, phân khúc căn hộ đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Các chủ đầu tư giảm quy mô mở bán do lo ngại tác động từ làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Nguồn cung bị ảnh hưởng cũng là nguyên nhân khiến giá nhà liên tục tăng và với 2 tỷ đồng, việc sở hữu căn hộ tại nội thành sẽ khó khăn hơn.
Chia sẻ về câu chuyện tìm mua nhà, bà Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1968 ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, bà có có hai người con trai, năm 2014, con trai đầu lập gia đình, bà Hà quyết định tặng đôi vợ chồng trẻ một căn hộ 2 phòng ngủ, 64m2 tại khu vực Mỹ Đình, với giá 1,6 tỷ đồng, tương đương 25 triệu đồng/m2. Mới đây, anh con trai thứ hai quyết định lấy vợ, dự kiến sẽ tổ chức hôn lễ vào cuối năm 2021. Để tránh các con tị nạnh, bà Hà cũng dự định tặng anh con trai thứ một căn hộ tương đương về diện tích và giá tiền. Tuy nhiên, trong suốt nửa năm qua, bà Hà không thể tìm kiếm được căn hộ 64m2, có giá 1,6 tỷ đồng như trước quanh khu vực Mỹ Đình.
Còn anh Vũ Văn Tuấn, sinh sống tại Hà Đông, Hà Nội, cho biết vừa may mắn mua được căn hộ vừa túi tiền hàng hiếm tại khu vực Hà Đông với giá chưa tới 2 tỷ đồng. Anh chia sẻ: “Tôi mua một căn chung cư cũ tại dự án đã bàn giao hơn 5 năm, giá có thể nói là rẻ hơn các dự án chung cư mới gần đó rất nhiều. Tôi mua căn hộ 64 m2, giá chỉ có 1,6 tỷ đồng. Mua kiểu này tiện lợi vì mình chỉ việc vào ở luôn, nhà đã được chủ cũ trang bị nội thất gần như hoàn chỉnh từ sàn ốp gỗ, giường tủ, bàn ghế, kệ bếp”.
Còn theo khảo sát của phóng viên, thời điểm hiện tại người mua vẫn còn cơ hội để sở hữu những căn hộ có mức giá tầm trung từ 1,7 đến 2 tỷ đồng tại Hà Nội.
Đơn cử như tại quận Hà Đông, có dự án chung cư BID Residence đang mở bán với mức giá từ 22 triệu đồng/m2. Hay tại chung cư Hưng Thịnh Linh Đàm, giá cho một căn hộ diện tích 76m2 là khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra có Vinhomes Smarts City tại Nam Từ Liêm, người mua vẫn có thể mua được căn hộ cao cấp ở khu đô thị này với căn hộ Studio hoặc căn hộ 1 phòng ngủ + 1, giá bán khoảng 1,7 tỷ/căn…
Tuy nhiên, đặc điểm chung của những dự án này là nằm cách xa trung tâm nội thành Hà Nội. Do đó, tâm lý như tắc đường, khói bụi cũng khiến nhiều người còn ngần ngại bỏ tiền mua nhà tại những dự án này.
Bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Thị trường JLL Việt Nam đánh giá: “Các dự án nhà ở bình dân có tốc độ bán tốt hơn do có mức giá thấp tuy nhiên nguồn cung tại phân khúc này có mức tăng trưởng chậm hơn so với các dự án cao cấp. Về lâu dài, việc thiết kế và thực hiện các dự án căn hộ bình dân vẫn cần rất nhiều hỗ trợ Nhà nước. Một số giải pháp khả thi như đưa ra các chính sách hỗ trợ tốt hơn về thuế cho nhà phát triển, đẩy nhanh và ưu tiên việc cấp phép cho các dự án trong phân khúc giá thấp. Đồng thời, phát triển hạ tầng giúp cải thiện kết nối giữa các khu vực ngoại ô với khu trung tâm và các khu vực làm việc sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy phát triển nhà ở với giá 1,5 - 2 tỷ đồng/căn”.