Giá đất và giá nhà tăng lên theo thời gian là chuyện tất yếu tại Hà Nội. Lý do bởi nhiều người muốn ở thành phố nơi điều kiện sống tốt và công việc thuận lợi. Kéo theo đó, nhu cầu nhà ở gia tăng và giá nhà sẽ tăng đến mức có thể hạn chế sự di dân hoặc sự phân bổ dân cư không đồng đều. Điều đó cũng cho thấy với lao động bình thường thì rõ ràng chuyện mua nhà, đất là chuyện cực kỳ khó khăn và xa vời.
Báo cáo quý II/2021 từ Savills cho hay, cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội, nguồn cung căn hộ đã dịch chuyển từ các khu vực trung tâm nội thành đến các huyện ngoại thành. Đáng chú ý, giá chào bán sơ cấp căn hộ trung bình là 1.625 USD/m2, tăng 7% theo quý và 11% theo năm, các dự án hạng B tăng mạnh nhất, đạt mức tăng 13% theo năm.
Đối với biệt thự, giá sơ cấp trung bình đạt 4.907 USD/m2, tăng 10% theo quý và 3% theo năm. Giá trung bình của Nhà liền kề là 5.173 USD/m2 , tăng 11% theo quý và 16% theo năm. Với Nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 8.135 USD/m2, tăng 4% theo quý và 11% theo năm. Ngoài ra, giá các bất động sản có nhiều chênh lệch phụ thuộc vào các yếu tố như nhà ở khu vực nào, an ninh, không gian sống ra sao, có điều kiện gì thuận lợi để thu hút người dân đến sinh sống…
Trong bối cảnh giá nhà, đất “đắt đỏ”, giới chuyên gia cho rằng, để sở hữu được một căn hộ thì người mua phải có sẵn vốn ít nhất là 40 - 50% giá trị căn hộ và mỗi tháng phải để dư ra được ít nhất 15 - 20 triệu đồng. Nếu chờ đủ tiền mới mua nhà thì người có thu nhập thấp sẽ phải chờ không biết đến bao giờ.
Có một thực tế khác là thu nhập của người trẻ hiện nay đã số chưa thể đáp ứng được với giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Giá một căn hộ chung cư trung bình 2 phòng ngủ tại Hà Nội vào khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng, trong khi mức bình quân thu nhập hàng tháng trung bình của người trẻ còn chưa cao. Theo đó, sự hỗ trợ tài chính của gia đình cũng được xem như là một phương án đang góp phần đáng kể trong tiềm lực tài chính mua nhà của người trẻ.
Chị Nguyễn Thuỳ Linh, đang sinh sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết, vợ chồng chị kết hôn năm 2018, sau khi tích góp được khoảng hơn 400 triệu đồng cùng với vay người thân và ngân hàng, đầu năm 2020, vợ chồng chị quyết định tìm mua căn hộ chung cư.
Chị Linh chia sẻ: “Từ đầu năm, vợ chồng tôi đã tìm mua căn hộ 2 phòng ngủ với giá dưới 2 tỷ đồng ở khu vực Cầu Giấy, đường Láng nhưng thực tế rất khó có căn hộ mới nào ở khu vực này có mức giá vậy. Theo đó, gia đình chuyển hướng ra vùng ven trung tâm như Hà Đông, Tây Mỗ để có thể mua được căn hộ phù hợp và hai vợ chồng cũng không bị áp lực việc trả nợ. Gia đình tôi mong muốn có thể tìm mua nhanh vì sợ sau khi hết dịch Covid-19, giá căn hộ tăng trở lại sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch mua nhà”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: “Nhà hay đất đều là tài sản lớn đối với mỗi cá nhân và môi gia đình. Do đó, khi quyết định xuống tiền mua thì cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính. Nếu một cặp vợ chồng muốn mua trả góp thì phải tính về bài toán vay, mua, trả nợ một cách rõ ràng. Tối thiểu nên có 30% giá trị căn nhà trước khi mua và chỉ chọn căn nhà hay mảnh đất phù hợp với thu nhập của gia đình. Hãy “liệu cơm gắp mắm” để không mua nhà có giá trị quá cao so với thu nhập để tránh rủi ro. Bởi khi không trả được nợ cho ngân hàng đúng kỳ hạn, người mua sẽ phải đối diện với nguy cơ bị xiết nợ hoặc bị báo nợ xấu trên hệ thống ngân hàng Nhà nước”.