Lãi suất cao đè gánh nặng gia đình
Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 6/2021, hai đợt dịch đã ảnh hưởng xấu đến 12,8 triệu người lao động, trong đó có 557.000 người bị mất việc (chiếm 4,4%); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh (chiếm 31,8%); 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (chiếm 34,1%) và 8,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập (chiếm 66,4). Thiếu việc làm, mức thu nhập giảm chính là lý do khiến cho không ít người vay mua nhà rơi vào cảnh lao đao, có nguy cơ bị siết nợ.
Từ cuối năm 2018, chị Trần Phương Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phải vay ngân hàng hơn 800 triệu đồng để mua chung cư, với lãi suất hơn 10%/năm. Mỗi tháng gia đình chị phải trả cho ngân hàng là 12 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
Ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, thu nhập của gia đình giảm sút chị Thảo đã liên hệ với nhân viên tín dụng phụ trách hợp đồng vay của gia đình chị để hỏi về các chính sách hỗ trợ lãi suất với khách hàng. Tuy nhiên, nhân viên tín dụng cho biết ngân hàng chưa có chương trình này hoặc đang hỏi lại... cấp trên.
Chị Thảo chia sẻ: “Tôi đọc báo thấy thông tin Chính phủ có các chương trình hỗ trợ người dân nhưng chưa thấy thông tin gì của ngân hàng về hỗ trợ chia sẻ khó khăn với khách hàng. Ngân hàng trả lời rằng phải xem xét từng trường hợp cụ thể và không phải khoản vay nào cũng được ngân hàng hỗ trợ”.
Theo chị Thảo, khoản vay của chị tại ngân hàng với lãi suất ban đầu 10%/năm, và từ đó đến nay, lãi suất cứ tăng chứ chưa bao giờ giảm dù lãi suất huy động của ngân hàng có thời điểm được điều chỉnh giảm mạnh. Từ năm 2020 tới nay, lãi suất cho khoản vay của gia đình chị là 10,9 - 11,3%/năm.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Trần Nguyên Hạnh (32 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng vay nợ ngân hàng số tiền gần 1,1 tỷ đồng để mua một căn hộ, lãi suất vay cố định trong 3 năm là 8%/năm, mỗi tháng trả góp cho ngân hàng 11 triệu đồng.
Chị Hạnh nhẩm tính, với công việc văn phòng của mình và làm du lịch của chồng, nếu chịu khó tích luỹ thì gia đình chị sẽ sớm trả hết nợ và lãi ngân hàng.
Tuy nhiên, mọi dự liệu của chị Hạnh chỉ đúng trong điều kiện bình thường. Năm 2020, dịch bệnh Covid - 19 xuất hiện đã phá vỡ kế hoạch trả nợ của gia đình. Ngành du lịch của chồng chị bị ảnh hưởng nặng nhất khiến thu nhập của gia đình sụt giảm. Nghỉ việc chính không lương hơn năm đã buộc chồng chị phải kiếm thêm các việc lặt vặt để phụ thêm vào lương văn phòng của chị để chi tiêu và trả lãi ngân hàng.
“Mong ngân hàng giảm chút lãi hoặc khoanh nợ cho khách hàng qua dịch trả nợ mà không bị phạt, bởi nếu giãn cách kéo dài hơn, gia đình không thể cầm cự nổi”, chị Hạnh giãi bày.
Cách gỡ khó cho người vay mua nhà
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích: “Hiện nay, nhóm đối tượng ưu tiên hỗ trợ đầu tiên là khách hàng vay tiêu dùng, vì đây là đối tượng yếu thế, hành nghề tự do, mục đích vay nợ có thể trả tiền học phí, viện phí, mua đồ dùng thiết yếu…
Ngân hàng, công ty tài chính có thể hoãn cho họ trả nợ tiền gốc 1 năm, phần tiền lãi có thể giảm một chút nhưng vẫn phải đóng vì ngân hàng còn phải trả lãi vốn huy động. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng cá nhân bằng các hình thức khác như cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay khoảng 3%/năm, giảm phí…”
Còn ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, bối cảnh dịch kéo dài như hiện nay, nnếu không có tích lũy tối thiểu được 50 - 70% giá trị căn hộ hoặc thu nhập gia đình không được 30 triệu/tháng thì không nên cố chấp mua nhà.
Bởi dù có sở hữu được ngôi nhà nhưng gánh nặng tài chính, rủi ro khi trả lãi ngân hàng sẽ đè nặng lên khiến người mua nhà không thể có được cuộc sống và tinh thần thoải mái. Còn với người đã sẵn sàng tài chính thì việc mua nhà thời điểm này có thể hưởng thêm các chính sách khuyến mại và giá bán.