Theo hiệp hội này, thời gian qua, dịch Covid-19 đã và đang tác động xấu đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.
VACC cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng có quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng.
Với những công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền có mặt bằng rất thoáng không bị tập trung đông người hoặc những công trình xây dựng đang ở vào giai đoạn hoàn thiện cuối để bàn giao mà không nằm trong vùng dịch trọng điểm, VACC đề nghị vẫn cho phép tiếp tục triển khai (nhưng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm tra phòng chống dịch).
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, VACC kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo dừng thu bảo hiểm xã hội (BHXH) 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng.
Hiệp hội này cũng đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022 (các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý II/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán).
VACC cũng xin được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng. Các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%.
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng kiến nghị hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021, đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.
Cuối cùng, hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các Sở Xây dựng địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá các vật liệu xây dựng để áp dụng cho các công trình dùng vốn ngân sách, có được đơn giá chính xác, phù hợp tránh làm thiệt thòi cho các nhà thầu xây dựng.
Trước đó, các doanh nghiệp xây dựng như Delta, Cienco4, Vinaconex, Thành An, Phục Hưng Holdings... đồng loạt gửi văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, Tập đoàn Cienco4, mong muốn được giảm lãi vay ngắn hạn xuống mức thấp hơn để giảm chi phí tài chính, cơ cấu lại các khoản dư nợ sắp đến hạn phải trả để doanh nghiệp có thời gian giãn các khản phải trả nợ gốc và lãi.
Cienco4 cũng đề nghị được giảm và gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, giảm tiền thuê đất phải nộp trong năm 2021 và các năm tiếp theo, giảm tiền đóng BHXH cho người lao động...
Còn Tổng công ty Cổ phần Vinaconex, kiến nghị các chủ đầu tư/bên mời thầu nghiên cứu điều chỉnh lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh để nhà thầu có thời gian và điều kiện chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Vinaconex cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính có cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn cụ thể việc điều chỉnh giá, thanh toán, thanh lý hợp đồng xây dựng trong điều kiện dịch bệnh. Đồng thời miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế...
Tương tự, các doanh nghiệp khác như Tổng công ty Thành An, Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Tổng công ty 319, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 Hà Nội... đều bày tỏ mong muốn được miễn giảm các loại thuế, giãn nợ, giảm lãi suất... để vượt qua giai đoạn khó khăn.